(VOV) - Hôm nay (4/11), Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe các báo cáo công tác của các ngành tư pháp là Toá án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an; nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội về công tác này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp. Tại phiên họp này, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng; nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác thi hành án; nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Sau đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về báo các của các cơ quan tư pháp.
Thảo luận các Báo cáo của các ngành tư pháp, hầu hết đại biểu Quốc hội nhận định: Năm qua, trước tình tình vi phạm pháp luật và tội phạm, khiếu kiện dân sự, hành chính có xu hướng gia tăng, Chính phủ, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có những tiến bộ so với năm ngoái; Các cơ quản bảo vệ pháp luật đã có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động; đã phát hiện, xử lý và giải quyết một khối lượng lớn các loại vụ án.
Đại biểu Chu Sơn Hà, đoàn Hà nội cho rằng: Nhiều vụ điều tra nhanh, xé xử kịp thời đã phát huy tính răn đe của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường, trật tự an toàn xã hội, ma tuý, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường chậm được phát hiện.
Nhiều đại biểu thống nhất với đánh giá của ngành Công an, Kiểm sát và Toà án trong việc khởi tố, điều tra, xét xử một số vụ án lớn, phức tạp. Điển hình như vụ án Nguyễn Lâm Thái, vụ án Nguyễn Đức Chi ở Công ty Rusanka, Khánh Hoà, vụ lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Quán Nam, Hải phòng; vụ án gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội…được nhân dân đồng tình ủng hộ; bộ máy làm việc và đội ngũ cán bộ tư pháp từng bước được kiện toàn; nhất là các toà án nhân dân cấp huyện đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo thẩm quyền xét xử mới.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, hoạt động của các cơ quan tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đáng lưu ý là một số tồn tại đã được Quốc hội đề cập nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được như: việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung không đúng qui định của pháp luật; việc đình chỉ điều tra vì bị can không có tội; tình trạng nhiều bản án, quyết định bị huỷ, bị sửa…
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác mới chỉ tập trung đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành mà chưa đề cập một cách toàn diện đến công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong quân đội, kiểm lâm, hải quan; cũng như tình hình phòng chống và xử lý vi phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Về công tác thi hành án dân sự, đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng cho rằng, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn xét xử án dân sự. Năm 2009, ngành toà án đã thụ lý 129.787 vụ việc dân sự, đã giải quyết, xét xử đạt tỉ lệ 76%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Toà án, tỉ lệ án bị huỷ 1,5%, bị sửa là 2,7%. Một con số khá lớn án bị huỷ do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội thì việc đánh giá tình hình tội phạm và công tác phòng ngừa tội phạm chưa đầy đủ; nhất là tình trạng tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên và nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.
Các báo cáo của các ngành tư pháp cũng chưa đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, nguyên nhân phát sinh tranh chấp dân sự, hành chính… để từ đó kiến nghị với các cơ quan hữu quan có những giải pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như những phát sinh trong nội bộ nhân dân để hoạt động này thực sự góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngày mai, Quốc hội làm việc tại hội trường để tiếp tục thảo luận các báo cáo của cơ quan tư pháp./.