Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

03/11/2009

Sáng 2.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã nghe trình các dự án Luật Bưu chính, dự án Luật Nuôi con nuôi, dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

* Nghe trình các dự án Luật Bưu chính, dự án Luật Nuôi con nuôi, dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

* Dự án Luật Bưu chính: Quy định rõ chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động công ích 

 

Sáng 2.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã nghe trình các dự án Luật Bưu chính, dự án Luật Nuôi con nuôi, dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Nuôi con nuôi, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán thành với việc ban hành Luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của các quy định pháp luật về nuôi con nuôi; khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

 

Tờ trình dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trình bày. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của QH, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

 

Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) do Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày nhấn mạnh: dự thảo Luật đã có nhiều tiến bộ so với Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành về những vấn đề hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ; về vai trò của cơ quan giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ do việc phân cấp chức năng, nhiệm vụ giữa Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa rõ ràng, cụ thể và không có sự thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ của QH như dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH. UB Kinh tế đề nghị, Ban soạn thảo thiết kế lại Điều 5 theo hướng quy định QH quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Đồng thời, quy định rõ ràng về việc báo cáo, cung cấp thông tin theo 3 cấp (đối với công chúng, Chính phủ và QH) và quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của QH.

 

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành; quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức và giải thể của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, bổ sung các tiêu chí phân loại giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng; các quy định về quản trị tổ chức tín dụng... Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi căn bản Luật này nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế thế giới. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ: các quy định của dự án Luật mới thiên về việc tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chưa tạo sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Các quy định về quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng còn nặng về hành chính, cấp phép mà chưa thể hiện được tư tưởng đổi mới quản lý các tổ chức tín dụng theo tinh thần Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Luật có nhiều quy định chung chung, nhiều nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định (trên 40 nội dung).

 

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, dự án Luật Bưu chính đã kế thừa và phát triển những quy phạm pháp luật của Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông; cơ bản khắc phục được những quy định không còn phù hợp của Pháp lệnh hiện hành; tạo điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính; tạo môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bưu chính, chiều qua các ĐBQH cho rằng: các nguyên tắc hoạt động bưu chính trong dự thảo Luật đã cơ bản đầy đủ, rõ ràng và thể hiện được đặc điểm của hoạt động bưu chính của nước ta và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số ĐBQH chưa tán thành thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Sáu, do quy định quan trọng của dự thảo Luật chưa được làm rõ như: Quy định về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính; điều kiện, quy trình, thủ tục cấp giấy phép bưu chính; chủ thể và cơ chế đặc thù thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích... Luật thiếu rõ ràng sẽ gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính cũng như việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước. ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị: dự thảo Luật nên quy định rõ chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực bưu chính; những loại hoạt động nào được Nhà nước hỗ trợ đầu tư để phát triển; những loại hoạt động nào được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác đầu tư hoặc tham gia đầu tư. Các ĐBQH cũng đề nghị, cần hạn chế ở mức thấp nhất các quy định giao Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn thi hành.

Phương Thủy

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác