(VOV) - Chiều nay (30/10), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Chính phủ trình Quốc hội lần này sẽ được sửa đổi, bổ sung 27 điều, khoản.
Tại buổi thảo luận tại Hội trường chiều nay, đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Giáo dục hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là để phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số nội dung chính như: Thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học; Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học; Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; Về thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ; Về đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt…đặc tính cấp thiết và phù hợp của các điều khoản được sửa đổi, bổ sung lần này.
Có nên giao quyền quyết định thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT?
Điểm đ khoản 1 Điều 51 Luật hiện hành quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học”. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này được sửa đổi là: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường”. Đây cũng là điều còn nhiều ý kiến khác nhau trong buổi thảo luận chiều nay. Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) đồng tình với quan điểm trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) là giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường Đại học và giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thẩm quyền cấp phép hoạt động giáo dục cho trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Theo đại biểu, làm như vậy sẽ phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng nên để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập trường đại học (bước 1) và giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động giáo dục (bước 2). Theo đại biểu, trên thực tế, nếu cho ra đời một trường đại học không đủ điều kiện sẽ để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục vốn đã rất bức xúc hiện nay. Nếu Luật Giáo dục được sửa đổi một cách toàn diện theo hướng chặt chẽ hơn thì chủ trương phân cấp, cấp phép thành lập trường là phù hợp. Tuy nhiên hiện nay để Thủ tướng ra quyết định thành lập trường là phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giao quyền quyết định thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là phù hợp. Đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập thì cũng phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nếu Bộ trưởng ký sai thì phải chịu trách nhiệm. Còn nếu để thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng như hiện nay, thì theo quy trình vẫn phải qua thẩm định, tham mưu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thực chất Thủ tướng chỉ là người ký mà thôi. Nếu có vi phạm xảy ra thì không biết quy trách nhiệm cho ai.
Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cũng đồng ý với quan điểm trên, theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp với sự phân công, phân cấp phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hiện nay, phù hợp với xu thế mới trong quá trình hội nhập. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT căn cứ vào quy hoạch mạng lưới thành lập các trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành, để xem xét điều kiện thành lập các trường đại học cụ thể. Mặt khác khi giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ tướng sẽ tập trung vào việc điều hành vĩ mô, xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật.
Cũng trong buổi thảo luận chiều nay, các đại biểu cũng cho ý kiến về tính đúng đắn và cần thiết của các điều, khoản được sửa đổi, bổ sung lần này. Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ, đề nghị quy định ngay trong Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng “quá tải” về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.
Về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, theo nhiều đại biểu không nhất thiết phải sửa đổi, bởi quy định như trong luật hiện hành là phù hợp. Theo các đại biểu, yếu tố quyết định để bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ không phải là thời gian đào tạo, mà là kết quả nghiên cứu khoa học nghiên cứu sinh thu được và kiến thức, phương pháp luận nghiên cứu sinh được trang bị.
Các đại biểu cũng thống nhất đề nghị cần quy định ngay trong Luật các trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể nhằm đảm bảo kỷ cương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Ngày mai (31/10), Quốc hội nghỉ./.