Chiều nay (27/10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010.
Bên cạnh những ý kiến đóng góp vào các chỉ tiêu kinh tế đạt được trong năm 2009 và những mục tiêu đề ra năm 2010 được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ; Đặc biệt là đánh giá tính hiệu quả của các chính sách được Chính phủ áp dụng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như những mặt hạn chế của gói kích cầu được Chính phủ áp dụng trong năm 2009 nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian cho ý kiến về các mục tiêu xã hội, bảo vệ môi trường, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang gây bức xúc trong dư luận; cũng như trên lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ô nhiễm môi trường và thực phẩm “bẩn” vẫn chưa được kiểm soát
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc quản lý về môi trường hiện vẫn bị buông lỏng. Các Khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 85%, nhưng đến nay chúng ta mới thực hiện đạt 43%. Năm 2009, ngành Công an đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm môi trường. Việc công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải 14 năm qua, gây thiệt hại cho sức khoẻ của hàng chục ngàn hộ nông dân, nhưng cho đến nay, những hộ nông dân vẫn chưa được bồi thường, không những thế, mới đây Vedan còn được Bộ Khoa học Công nghệ trao giải thưởng sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng năm 2009.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Danh Út, tình trạng lợi ích người tiêu dùng bị xâm phạm nặng nề với các vi phạm về thương mại ngày càng phổ biến và có vẻ công khai hơn trên nhiều lĩnh vực: gian lận về chất lượng, số lượng trong kinh doanh xăng dầu; gian lận trong việc tính cước taxi; sản xuất kinh doanh phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thuốc chữa bệnh giả, sữa đóng hộp không đúng trọng lượng, xi măng rởm… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nạn thịt bẩn đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam dẫn đến việc người tiêu dùng không biết lựa chọn thực phẩm như thế nào cho an toàn. “Ăn thịt, ăn cá thì sợ có thuốc tăng trọng. Ăn rau thì sợ có hoá chất độc hại. Những hành vi đó không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn thiệt hại cho cả nền kinh tế, làm mất lòng tin giữa người với người”, đại biểu Danh Út nói.
Tình trạng gian lận thương mại đang là thực trạng nhức nhối trên thị trường hiện nay, ngay cả trong một số trung tâm thương mại, siêu thị cũng có hàng giả, hàng nhái. Theo đại biểu Danh Út, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đặt câu hỏi: Đã có Pháp lệnh về Vệ sinh an toàn thực phẩm; có Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng; có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá; có Bộ Công thương là cơ quan chức năng được giao quản lý về mặt Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; có Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan quản lý về mặt tiêu chuẩn chất lượng đo lường; có Bộ Y tế quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm; có Bộ NN&PTNT quản lý về quy trình sản xuất nông sản và có UBND các cấp, nhưng vì sao các hành vi gian lận thương mại vẫn không hề suy giảm mà còn có chiều hướng tăng lên? Phải chăng, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, hay sự phối hợp giữa các cơ quan này còn yếu kém, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Danh Út kiến nghị Chính phủ cần ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động gian lận thương mại, công bố công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận thương mại, đình chỉ và rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chính phủ cũng cần mạnh tay với thịt bẩn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời tại Kỳ họp này vì sao không bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng. Vì sao để tình trạng thịt bẩn nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Vì sao hàng giả, hàng nhái bán công khai tại Trung tâm thương mại, siêu thị không bị xử lý.
Đại biểu Danh Út cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm. Cần quy định cụ thể hạn chế nhập khẩu thịt đông lạnh kém chất lượng nhằm bảo vệ người chăn nuôi trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.
Nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức
Nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là về khoa học kỹ thuật và tiêu thụ hàng hoá. Trong kết quả xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, thì nông dân được hưởng lợi như thế nào?
Đại biểu Trần Hồng Việt đoàn Hậu Giang cho rằng: Thực tế người kinh doanh lúa gạo là quá giàu, trong khi người trồng lúa chỉ đủ ăn. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua lúa dự trữ với tín dụng ưu đãi lãi suất bằng 0%, chờ giá gạo thế giới tăng để bán thu lãi cao, trong khi người nông dân thu hoạch xong vụ mùa thì buộc phải bán để trả nợ cho ngân hàng, vì nếu nợ quá hạn sẽ bị phạt. Tại sao nông dân không được ưu đãi tiếp cận lãi suất như doanh nghiệp. Chính phủ cần có chính sách điều tiết lợi nhuận giữa người xuất khẩu gạo và lợi tức người trồng lúa cho hài hoà lợi ích.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, trúng mùa nhưng vẫn rớt giá. Nông dân bán lúa nhưng doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất thì mua gạo, dẫn đến tình trạng tư thương tiếp tục ép giá nông dân. Bộ trưởng Bộ Công thương đã hứa sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế điều hành xuất khẩu gạo, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được.
Về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) nhận xét, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn quá thấp. Tình trạng lấy đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp và sân Golf làm ảnh hưởng lớn đến tài nguyên đất, nước. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Việc lấy đất nông nghiệp có chất lượng cao mà bà con thường gọi là “bờ xôi ruộng mật, nhất đẳng điền” trong nhiều năm qua đã gây ra bao nhiêu hoàn cảnh hết sức khó khăn cho những gia đình nông dân không chuyển đổi được nghề nghiệp để tiếp tục sinh tồn. Trong giai đoạn 2000-2005, cả nước đã mất 302.493 ha đất trồng lúa. Việc thu hồi đất trong giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng đến đời sống của 2,5 triệu người và 950.000 lao động. Nguồn tài nguyên đất và nước của Việt Nam đang dần mất đi.
Đại biểu Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) thì đề nghị, Chính phủ cần có chủ trương và nguồn vốn dài hạn về sản xuất để hỗ trợ cho nông dân, cho sản xuất nông nghiệp để cho nông dân sơ chế, dự trữ hàng nông sản, chủ động một phần về giá bán hàng hoá, có thể chờ giá để tăng thu nhập, có vốn để tái sản xuất trong khi dự trữ hàng hoá, không bị áp lực vay nóng để đảo nợ. Đồng thời, nông dân có vốn để điện khí hoá, cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân cũng như nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản Việt Nam, đại biểu Đỗ Hữu Lâm đề nghị Chính phủ cần có chiến lược trung, dài hạn cho nông nghiệp và nông thôn.
Cũng trong buổi thảo luận ngày hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tập trung phải giải quyết triệt để những vấn đề năm nào cũng được nêu ra. Đó là tình trạng nhiều công trình xây dựng cơ bản dở dang, kéo dài, việc giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề. Dịch bệnh trong thời gian qua cũng chưa thực sự quan tâm, nhất là công tác phòng bệnh… Việc chỉ chú trọng chữa bệnh mà thiếu quan tâm tới phòng bệnh đã dẫn đến tình trạng dịch cúm A/H1N1, sốt xuất huyết…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cải cách hành chính đạt hiệụ quả thấp, thiếu thể chế quản lý Nhà nước. Tình trạng khiếu kiện kéo dài vẫn xảy ra, tình trạng mất trật tự an toàn xã hội làm người dân lo lắng. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực của ta còn yếu kém.. Ngành giáo dục và y tế phát động nhiều phong trào nhưng các chương trình chưa phát huy hiệu quả. Đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp, cán bộ khoa học còn quá mỏng, quá yếu, cán bộ ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Việc chạy theo số lượng trong đào tạo tiến sĩ vẫn xảy ra. Nhiều nơi tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn còn, làm giảm lòng tin của nhân dân.
Sáng mai (28/10), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 nhiệm vụ năm 2010./.