Kinh tế-xã hội năm 2009 chưa thực sự vững chắc

28/10/2009

(VOV) - Bên cạnh những kết quả tích cực, những việc đã làm được, một số vấn đề bức xúc vẫn còn, thậm chí đã tồn tại trong nhiều năm liền, gần như không có lối ra

Sáng nay (27/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Về cơ bản, các đại biểu tán thành và đánh giá cao các kết quả đạt được về mặt kinh tế, xã hội năm 2009 cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2010, đã được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ. Hầu hết đại biểu nhận định, phần đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2009 thể hiện qua  Báo cáo của Chính phủ là sát với thực tế. Trong lúc nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới tăng trưởng âm, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, là một kết quả tích cực nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành và chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Chính phủ.

Còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, tiêu cực

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng), bên cạnh những kết quả tích cực, những việc đã làm được, một số vấn đề bức xúc vẫn còn, thậm chí đã tồn tại trong nhiều năm liền, gần như không có lối ra. Đó là tình trạng kẹt xe, ngập nước ở các thành phố lớn; sự lạm thu trong các trường học và sự ra đời quá nhiều trường đại học; tình hình tội phạm, cướp giật, giết người, ma túy… ngày càng gia tăng, nhất là ở các đô thị lớn; tình hình tai nạn giao thông, khiếu nại tố cáo đông người vẫn còn đáng lo ngại. Tình trạng kẹt xe, ngập nước ở các thành phố lớn có nguyên nhân từ việc dân số ngày càng đông, xe cộ ngày càng tăng. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn đã được đề cập ở nhiều kỳ Quốc hội nhưng rồi tình trạng đó vẫn cứ tồn tại và kéo dài.

Ngoài tình trạng thất thoát lớn do tham nhũng, thì tình trạng lãng phí cũng rất lớn. Kỷ yếu in nhiều không ai đọc; Bưu điện chỉ cần thêm con số 3 thì cả nước mất gần 10.000 tỷ đồng để in lại danh bạ điện thoại, các loại giấy tờ, quảng cáo… Trong khi đất nước còn nghèo, việc đầu tư còn quá nhiều lãng phí.

Đại biểu kiến nghị cần củng cố, tăng cường lại hệ thống thống kê và cho rằng lâu nay lĩnh vực này dường như bị xem nhẹ, người dân không muốn theo học ngành này, máy móc lạc hậu. Nếu không có số liệu chính xác thì không thể có những dự báo chính xác và từ đó không thể hoạch định kế hoạch chính xác.

Đại biểu cũng cho rằng việc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của đất nước thời điểm hiện nay của Chính phủ có phần hơi lạc quan. Tổng dư nợ đã chiếm tới 44% GDP, trong khi sắp tới còn tăng lương, các mặt hàng, dịch vụ tăng giá như vậy chắc chắn đồng tiền của Việt Nam sẽ bị mất giá, sẽ kéo theo sự lạm phát, sản xuất sẽ gặp khó khăn, đời sống của phần lớn nhân dân, đặc biệt là nông dân, công nhân nghèo, cán bộ nghỉ hưu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Đại biểu cho rằng cần có biện pháp kiểm soát chặt chi tiêu, ngừng các chương trình mục tiêu quốc gia không hiệu quả, xem lại dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, thận trọng trong việc xuất nhập khẩu vàng; nghiên cứu đổi mới trong việc điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá; tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục thu hút vốn; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước, đồng thời tìm cách tăng khả năng thanh khoản trên thị trường; đánh giá hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất, dừng ngay hoặc không triển khai gói kích cầu thứ hai, tập trung đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, bên cạnh rất nhiều yếu tố tích cực, thì phải nhìn nhận sâu sắc rằng nền kinh tế vẫn chưa thật sự vững chắc, bội chi ngân sách cao hơn mức Quốc hội cho phép 6,9%, nếu tính cả nguồn trái phiếu Chính phủ (thực chất là ứng trước để chi) thì mức bội chi sẽ còn cao hơn. Thâm hụt về ngoại tệ còn lớn, tăng trưởng về hiệu quả đầu tư còn kém. Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất khu vực nông thôn không được bao nhiêu do thủ tục cho vay còn rườm rà nên khó tiếp cận. Đánh giá về chuẩn nghèo còn chưa thực chất, một số địa phương ở miền Trung tuy đã thoát nghèo, nhưng sau những trận lũ lụt tỷ lệ tái nghèo còn cao. Sự chênh lệch giữa miền núi, đồng bằng, đô thị tiếp tục giãn ra.

Đại biểu Lê Văn Cuông

Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) nêu thực trạng, việc hỗ trợ hộ nghèo tại nhiều địa phương đang dẫn đến sự suy bì và ỷ lại, kiến nghị không nên hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật mà nên tập trung vào những vấn đề lớn có tính đột phá, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với thay đổi tư duy sản xuất và tiêu dùng của người dân để phát triển bền vững. Đầu tư cho nông dân nhiều hơn những kiến thức cơ bản, để tự họ có thể tự tạo ra nhiều hơn những giá trị về sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cần có chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất cho nông dân để họ phát triển sản xuất. Những hỗ trợ về tiền mặt nên chọn những đối tượng đặc biệt khó khăn, thiếu đói chứ không trợ cấp đại trà như thời gian qua.

Đại biểu Lê Văn Cuông cũng bày tỏ sự lo ngại về chương trình đào tạo cấp tốc 20.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đại biểu cho rằng với chương trình này, có ngày hội chứng “ra ngõ gặp tiến sĩ” sẽ trở thành sự thật cùng với đó là vấn nạn chạy chức chạy quyền, càng làm cho việc đào tạo chạy theo bằng cấp vốn đang làm giảm chất lượng đào tạo tại nhiều trường đại học hiện nay. Đại biểu cho rằng, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho nạn mua bán bằng cấp phát triển.

Năm 2010: Các mục tiêu đưa ra cần tập trung, tránh dàn trải

Đối với các mục tiêu và giải pháp mà Chính phủ đề ra cho năm 2010 về cơ bản nhiều ý kiến đại biểu cho là tổng quát và toàn diện. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2010 là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng phần lớn các chỉ tiêu đều ở mức phấn đấu rất cao.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) băn khoăn về sự dàn trải, mục tiêu nào cũng quan trọng, cũng phải tập trung nguồn lực sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Đại biểu kiến nghị Chính phủ nên lựa chọn một vài lĩnh vực để tập trung nguồn lực, tạo sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể nên ưu tiên cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản, tập trung giải quyết dứt điểm các công trình xây dựng dở dang, kéo dài gắn với xử lý trách nhiệm các bên có liên quan tới công trình, dự án. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cải tiến chất lượng hiệu quả, nếu làm được điều này sẽ góp phần ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản mà dư luận đã rất bức xúc thời gian qua. Đối với đầu tư cho khoa học công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế phù hợp tạo điều kiện kinh phí cho hoạt động, lấy kết quả nghiên cứu làm thước đo để thanh quyết toán hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (đoàn An Giang) kiến nghị đưa vào 3 chương trình mục tiêu lớn từ nay đến 2015, chia làm 2 giai đoạn. Đó là các chương trình mục tiêu về phát triển cơ sở hạ tầng; về phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính và thể chế lại nền kinh tế. Mỗi một chương trình được giao cho một Phó Thủ tướng đứng đầu. Riêng chương trình về cải cách hành chính và thể chế lại nền kinh tế có tầm quan trọng rất lớn cần được giao cho Thủ tướng chỉ đạo.

Về gói kích cầu kinh tế, một số đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét và cân nhắc việc thực hiện trong năm 2010, vì kết quả thực hiện năm 2009 đã phát huy tác dụng tích cực, nhưng còn bộc lộ những bất cập và hạn chế nhất định, cần khắc phục.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010./.

Mạnh Hùng-Thanh Hà

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác