Hôm nay (22/10), Quốc hội dành 1 ngày làm việc tại Tổ để đánh giá Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010.
|
Các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy tác dụng |
Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đối với tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, đa số các đại biểu đều tán thành với các nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ. Đó là đã thực hiện và đạt được các mục tiêu chính theo Nghị quyết của Quốc hội: Ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý; giữ ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô của nền kinh tế; chính sách tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh; nhập siêu được kiểm soát thấp hơn so với kế hoạch; bảo đảm an sinh xã hội, thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân, học sinh. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, đền ơn đáp nghĩa được triển khai thực hiện tốt. Đã ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện đạt kết quả các gói giải pháp kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Chỉ đạo kịp thời chống lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế
Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) phân tích: “Năm 2009, cả doanh nghiệp và người dân đều phải chịu những khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn, nhanh chóng đưa đất nước vượt qua khó khăn, là một trong những nước trên thế giới sớm vượt qua được suy giảm kinh tế và giữ được tốc độ phát triển. Đó là thành công lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong Báo cáo kỳ này của Chính phủ, đã đưa ra được những chiến lược cụ thể, rõ ràng, thể hiện một quan điểm mới của Chính phủ về cách nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng để giải quyết vấn đề, để từ đó đưa ra được nhiều chính sách: Hỗ trợ lãi suất vốn, bảo lãnh cho vay; cho vay về máy móc, sản xuất, làm nhà; đặc biệt là chính sách về an sinh… được áp dụng từ đầu năm đến nay đã phát huy tác dụng rất tốt. Điều đó cho thấy sự chuyển hướng chỉ đạo rất kịp thời của Chính phủ từ ngăn chặn, chống lạm phát đến ngăn chặn suy giảm để duy trì tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh”.
Cũng theo đại biểu Lê Quốc Dung, một thành công nữa đó là Việt Nam không có các công ty bị đổ vỡ, phá sản do bối cảnh suy giảm kinh tế, giữ được cuộc sống ổn định trong khi trên thế giới, rất nhiều công ty, ngân hàng lớn bị phá sản. Đại biểu Lê Quốc Dung nhấn mạnh: “Theo ý kiến cá nhân tôi, năm 2009 đời sống của người dân còn đỡ xáo trộn hơn năm 2008”.
Đồng tình với những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc còn cho rằng Quốc hội nên biểu dương Chính phủ với những nỗ lực đáng kể trong việc chèo lái con thuyền kinh tế của đất nước thời gian qua và những chính sách về đảm bảo an sinh xã hội có thể thấy rằng đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong xã hội.
Cần một sự lay chuyển mạnh trong điều hành
Bên cạnh những việc làm được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của nền kinh tế. Sau một thời kỳ phát triển nóng, nền kinh tế có nhiều bất ổn, nếu không tái cấu trúc lại, không điều chỉnh lại chính sách đầu tư, đường lối chỉ đạo chúng ta sẽ vấp phải những khó khăn trong tương lai gần.
Các đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang), Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cùng chung phân tích: Sau bao nhiêu năm đổi mới, nhưng vấn đề chế biến nông sản vẫn còn cực kỳ yếu, chúng ta chỉ xuất nguyên liệu thô với giá trị hàng rất lớn. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nền kinh tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu chúng ta có thể chế biến được thì lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn rất nhiều, đời sống của người nông dân sẽ khá hơn. Các đại biểu đề nghị đối với vấn đề này, Quốc hội cần lên tiếng, cần tạo một sự lay chuyển mạnh trong cách điều hành, định hướng để tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Một hạn chế nữa của nền kinh tế đó là sự bất lợi về giá cả, kể cả đầu ra lẫn đầu vào. Giá nhà đất, chi phí doanh nghiệp, chi phí đời sống người dân… đều rất cao mà nguyên nhân chính là do nạn đầu cơ, do chính sách. Một nền nông nghiệp phải bán với giá cạnh tranh đầu vào cao trong khi giá đầu ra lại luôn thấp hơn so với thế giới thì không hiểu sự quản lý Nhà nước ở đây như thế nào? Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang tiềm ẩn những mất cân đối vĩ mô rất lớn. Đó là ở đồng tiền Việt Nam và ngoại tệ. Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam bị thâm hụt cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, dẫn đến thiếu ngoại tệ. Nếu không cẩn thận, thị trường của ta dễ bị xáo trộn. Rồi vấn đề bội chi ngân sách ngày càng tăng, nếu kéo dài sẽ dẫn đến lạm phát.
Ý kiến của nhiều đại biểu cũng cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập thỏa đáng tình hình an ninh, trật tự. Báo chí liên tục đưa tin về các vụ cướp của, giết người, hành hung người thi hành công vụ… ở nhiều địa phương trong nước; hay việc quản lý người nước ngoài vào Việt Nam không chặt dẫn đến nhiều tệ nạn… Đối với những vấn đề đó chưa thấy Chính phủ đề cập và đưa ra hướng chỉ đạo giải quyết. Đánh giá của Chính phủ đối với công tác tập trung cải cách hành chính thời gian qua đã cho kết quả tích cực là nhận xét hơi quá tích cực.
Nên chấm dứt gói kích cầu đầu tư ngắn hạn vào cuối năm 2009
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, gói kích cầu đầu tư của Chính phủ thời gian qua đã cho kết quả rất khả quan nhưng lại không nên tiếp tục chính sách này. Gói kích cầu được đưa ra thời gian qua là rất kịp thời, đúng đối tượng và có tác dụng, tuy nhiên gói hỗ trợ 4% lãi suất của Ngân hàng mới chỉ đến được với 20% số doanh nghiệp, như vậy còn lại khoảng 80% số doanh nghiệp phải chăng chưa được hỗ trợ. Các đại biểu cho rằng chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất vào cuối năm 2009, sẽ đỡ tốn tiền ngân sách của Nhà nước, đỡ mất bình đẳng và không làm méo thị trường tiền tệ khi chúng ta đang gặp khó khăn trong việc điều hành lãi suất. Nên tiếp tục đầu tư hỗ trợ kích thích về trung hạn cho người dân vay làm nhà, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đô thị, mua máy móc thiết bị… thêm một thời gian nữa.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về những vấn đề trên./.