Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

22/10/2009

Sáng 21.10, QH đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thuế tài nguyên. Chiều 21.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người cao tuổi.

* Dự án Luật Thuế tài nguyên: QH có thẩm quyền quyết định về thuế suất * Dự án Luật Người cao tuổi: Ưu tiên trợ giúp những người thuộc nhóm tuổi cao, người có khó khăn về kinh tế và điều kiện sống

 

Sáng 21.10, QH đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thuế tài nguyên.

 

Dự thảo Luật thuế Tài nguyên gồm 4 chương, 12 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, luật hóa các quy định của Pháp lệnh về thuế liên quan đến tài nguyên còn phù hợp, đồng thời khắc phục những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách thuế tài nguyên hiện hành.

 

Rất nhiều ý kiến của các ĐBQH cho rằng: dự thảo Luật thuế Tài nguyên thực chất không khác nhiều so với Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Dự thảo Luật chưa khắc phục được căn bệnh: luật khung, luật ống, từ đó sẽ kéo theo phải ban hành nhiều nghị định, thông tư. Đối với một dự án luật chưa tốt, QH hoàn toàn có quyền chưa thông qua.

 

Đặc điểm “luật khung, luật ống” được thể hiện rõ nhất ở Điều 8 quy định về thuế suất. Dự thảo Luật đưa ra một Biểu khung thuế suất với 8 nhóm, loại tài nguyên và các mức thuế suất với biên độ chung chung, rất rộng, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết các mức thuế suất cụ thể của từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ. Theo ĐB Danh Út (Kiên Giang): đã nâng pháp lệnh lên thành Luật thì phải chi tiết hơn. Tất cả các loại, nhóm tài nguyên trong Biểu khung thuế suất đều để biên độ thuế suất quá rộng. Điều này dẫn đến tình trạng dễ bị lạm dụng làm thất thoát tài nguyên. Nên thu hẹp biên độ lại, tách ra từng loại thuế suất để giảm dần biên độ. Các ĐB: Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Thúc Khang, Nguyễn Văn Quyền (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phạm Xuân Thường (Thái Bình)... cho rằng: thẩm quyền quyết định thuế suất là của QH. Nếu nói rằng việc để biên độ thuế suất rộng để tạo sự linh hoạt trong quản lý cho các cơ quan của Chính phủ là chưa hợp lý. Bởi, thuế phải có đặc tính ổn định, không phải năm nào QH họp cũng đề cập đến việc thay đổi khung thuế suất. Hơn nữa, mỗi năm QH họp 2 Kỳ, xen kẽ có các Phiên họp của UBTVQH với tần suất dày hơn, nên không có gì là quá gấp gáp để phải để biên độ thuế suất rộng cho Chính phủ tự quyết mức cụ thể. Tài nguyên là cụ thể, vậy tại sao Luật lại không quy định ngay từng mức thuế suất cụ thể mà lại “chừa” lại biên độ rộng như vậy? Các ĐBQH cũng khẳng định: tài nguyên là hữu hạn, có loại tài nguyên có thể tái tạo, có loại không, do đó, cần tính thuế thế nào cho phù hợp để có thể quản lý chặt chẽ, không thể để khai thác bừa bãi, lãng phí. Biên độ thuế suất lớn sẽ tạo sơ hở và dẫn đến tiêu cực. Ai quyết định thuế suất đối với loại, nhóm tài nguyên nào; nhóm, loại tài nguyên nào sẽ chịu mức thuế cao nhất, thấp nhất... trong khoảng biên độ đó?... Những nội dung này cần được quy định ngay trong Luật chứ không nên giao cho Chính phủ.

 

Ngoài ra, nhiều ĐBQH cũng đề nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế các tài nguyên: danh lam thắng cảnh, kho số và tần số...

 

Chiều 21.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người cao tuổi.

 

Dự án Luật Người cao tuổi đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ  Năm. Dự thảo Luật được chỉnh lý lần này bao gồm  6 chương và 31 điều chủ yếu quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; bổ sung quy định về bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, người cao tuổi gặp khó khăn khi bị thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng.

 

Về phạm vi điều chỉnh và độ tuổi xác định người cao tuổi, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không quy định đối với người nước ngoài. Độ tuổi xác định là người cao tuổi trong dự thảo Luật là 60 tuổi. Về việc xác định đối tượng bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, dự thảo Luật cũng đã được khẳng định chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách của nước ta hiện nay chưa thể bảo đảm được việc trợ giúp thường xuyên của Nhà nước cho mọi người cao tuổi. Bên cạnh đó, có một số chính sách trợ giúp cho nhóm người nhiễm HIV/AIDS, người tàn tật đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác, những chính sách này sẽ không quy định trong dự thảo Luật Người cao tuổi để tránh trùng lặp. Do vậy, dự thảo Luật Người cao tuổi đã được chỉnh lý theo hướng quy định tập trung ưu tiên trợ giúp những người cao tuổi có khó khăn về kinh tế và điều kiện sống, người cao tuổi thuộc nhóm tuổi cao. Đối với vấn đề bảo trợ xã hội theo độ tuổi, theo quy định hiện hành thì người từ 85 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 85 tuổi xuống từ đủ 80 tuổi cho phù hợp với nguyện vọng của người cao tuổi cũng như chính sách của Nhà nước đối với nhóm tuổi cao trong xã hội.

 

Về phụng dưỡng người cao tuổi, dự thảo Luật cũng đã điều chỉnh theo hướng có hai cơ chế để phụng dưỡng và chăm sóc người cao tuổi. Một là về nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu nội, cháu ngoại của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhằm tránh trường hợp buộc người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ như người bị bệnh tâm thần hoặc trẻ em phải thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng đối với người cao tuổi. Hai là về ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi được thực hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ giữa người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ.

Vũ Đào - Lâm Hiển

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác