Bế mạc Phiên họp thứ Hai lăm của UBTVQH

18/10/2009

* Dự án Luật An toàn thực phẩm: Vai trò quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành chưa rõ ràng * Kỳ họp thứ Sáu, QH sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Sáng 16.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Hai lăm, cho ý kiến về dự án Luật An toàn thực phẩm; việc tiếp thu, chỉnh lý dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII và điều chỉnh dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009.

Theo Tờ trình dự án Luật An toàn thực phẩm, 6 năm qua, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành một công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này cũng gặp nhiều khó khăn như: quá nhiều văn bản của các ngành, các cấp đã dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền của các cơ quan quản lý. Các khái niệm như an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được nêu rõ và chưa thống nhất cách hiểu nên việc phân định nhiệm vụ quản lý giữa các Bộ, ngành thiếu rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm còn thiếu khá nhiều, đặc biệt là đối với thực phẩm truyền thống. Mặt khác, trong điều kiện hội nhập, cần thiết phải có cơ sở pháp lý về việc thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, cũng như thế giới, đặc biệt là việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm. Dự án Luật An toàn thực phẩm được xây dựng nhằm giải quyết những vướng mắc, chồng chéo trong công tác quản lý an toàn thực phẩm theo hướng : nâng cao trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mọi tổ chức, cá nhân, trong đó ngành y tế giữ vai trò đầu mối, phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng ; đổi mới phương thức quản lý đối với sản phẩm thực phẩm, chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm phù hợp với pháp luật quốc tế về an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật này, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành việc ban hành một đạo luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật trong điều kiện cụ thể của nền kinh tế nông nghiệp nước ta còn nhỏ lẻ, phân tán ở tất cả các khâu, từ nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến, lưu thông thực phẩm. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị : Luật An toàn thực phẩm là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân và tương lai phát triển nòi giống của người Việt Nam nên cần phải thiết kế trên các điều kiện cụ thể của nước ta thì mới có thể bảo đảm được tính khả thi. Có cùng quan điểm này, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng : một trong những nguyên tắc cơ bản của dự luật An toàn thực phẩm là phải phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp liên ngành chặt chẽ nhưng toàn bộ dự thảo Luật lại chưa thể hiện rõ nguyên tắc này. Cần phải tính toán, nghiên cứu thêm để tiếp tục làm rõ vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các Ủy viên UBTVQH cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa về phương thức quản lý theo chuỗi hàng hóa ; đồng thời quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành theo hướng rõ ràng, công khai, minh bạch Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý đối với vấn đề cụ thể nào ? chịu trách nhiệm đến đâu ?...

Các Ủy viên UBTVQH cũng tán thành đề nghị của VPQH về việc bổ sung vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Sáu các nội dung : xem xét, thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và nhiệm kỳ QH Khóa XII ; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ; xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ; cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật An toàn thực phẩm. UBTVQH cũng chấp thuận đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời hạn trình 3 dự án Luật Biển Việt Nam, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Cơ yếu. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH nêu rõ : các dự án Luật này không bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng có nguyên nhân chủ quan nên các cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

B.Long

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác