Dự kiến, những nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Báo cáo tình hình KT-XH năm 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 do Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Hòa trình bày cho biết, thời gian qua kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, đặc biệt là gói kích thích kinh tế, nên đã ngăn chặn được suy giảm, từng bước phục hồi kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự kiến từ 5% - 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh mà Quốc hội đã thông qua, trong đó các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng từ 2,6% - 6,6%. Việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và giữ vững ổn định chính trị xã hội. Đến cuối năm 2009, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11%...
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế tác động đến chất lượng tăng trưởng như ngành công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua, trong hoạt động du lịch khách quốc tế sụt giảm, xuất khẩu giảm nhiều so với năm 2008, nguy cơ lạm phát tiền tệ vẫn tiềm ẩn, tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu đề ra...
Các đại biểu đã tập trung đánh giá về chính sách điều hành của Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng trong năm 2009. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung cho rằng để tăng trưởng GDP năm 2009 khoảng 5%, thì GDP của quý 4-2009 phải đạt 6,7%. Đây là con số cao đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ và các cấp, các ngành và phải có giải pháp đột phá trong chỉ đạo điều hành, nhưng trong báo cáo của Bộ KH-ĐT các giải pháp vẫn mang tính chung chung, chưa có sự đột phá.
Đánh giá về việc mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể tăng trưởng âm từ 5% - 6%, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng, không thể chỉ đưa ra nguyên nhân chung chung là do kinh tế thế giới suy giảm, cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đại biểu đề nghị phân tích làm rõ hiệu quả của các chính sách giảm nghèo bởi theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, dự kiến đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%, nhưng theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, số hộ đói lại tăng lên 21%. Điều này thể hiện chất lượng trong các chính sách giảm nghèo chưa cao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn, đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể về chất lượng của công tác đầu tư và cho rằng Chính phủ cần đưa ra giải pháp hữu hiệu để cân bằng tỷ trọng trong thu hút FDI. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 đạt thấp, nhiều lần đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu nhưng không thực hiện được. Trong khi đó, năm 2010, Chính phủ vẫn đưa ra kế hoạch phát hành một lượng trái phiếu tương đối lớn.
Nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư mà Chính phủ đang thực hiện, đặc biệt là kế hoạch giảm 1/3 thủ tục hành chính trong năm 2010. Tuy nhiên, không chỉ giảm thủ tục mà phải tăng chất lượng phục vụ và đẩy mạnh cơ chế một cửa, đặc biệt là tại các địa phương. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện vốn ODA trong các dự án phát triển KT-XH bảo đảm an sinh xã hội; kế hoạch xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp; hỗ trợ cho lao động đi lao động ở nước ngoài...
Phiên họp toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc đến ngày 23-9.