Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước ta, nêu rõ: Quốc hội ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia thông qua chức năng lập pháp và giám sát có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển của đất nước.
“Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đã chứng minh, trong quá trình hội nhập sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau, đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ thông tin sẽ mang lại những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn giữa các nước”. Bà Tòng Thị Phóng nói.
Theo lãnh đạo Quốc hội nước ta, cơ quan lập pháp ở mỗi nước đều có những quyết định kịp thời về các chính sách kinh tế- xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, yêu cầu của cử tri và sự ổn định của từng nước. Theo đó, vừa qua Quốc hội các nước có những biện pháp về công tác lập pháp, giám sát chính sách để xem xét để xem xét, thảo luận, quyết định về các gói kích cầu hỗ trợ chương trình vượt qua khủng hoảng của Chính phủ mỗi nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Hội thảo lần này nhằm tăng cường năng lực cho các đại biểu Quốc hội ba nước tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của mỗi nước, giúp đại biểu Việt Nam và bạn trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về lập pháp và giám sát trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
“Đây cũng là việc làm thiết thực, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Quốc hội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia”.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, khẳng định: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đòi hỏi sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc thúc đẩy hiệu quả sản xuất và ngăn chặn ảnh hưởng của khủng hoảng đến đời sống kinh tế, chính trị. Đó là trọng trách mà Quốc hội các nước cần phải đảm đương, tìm các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.
Theo Tiến sĩ Tim MacGrath, Cố vấn quốc tế của Dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam của UNDP, một trong những kinh nghiệm đã và đang triển khai tại Việt Nam, thời gian qua đã xây dựng quy trình tham vấn ý kiến nhân dân, sau khi thực hiện thí điểm ở một số địa phương. Qua đó sẽ đưa ra bộ công cụ tham vấn hiệu quả, quy trình tham vấn chuẩn mực đối với điều kiện Việt Nam để áp dụng tại các tỉnh, thành phố thời gian tới.
Trong thời gian Hội thảo từ ngày hôm nay đến ngày 23- 9, nghị sĩ Quốc hội ba nước, các chuyên gia về các lĩnh vực lập pháp, giám sát, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và UNDP tham gia trình bày nhiều tham luận, tập trung trao đổi kinh nghiệm thực tế về các chủ đề như lập pháp, giám sát, mối liên hệ tình huống suy giảm kinh tế tác động tới các quốc gia, vai trò của các nghị sĩ trong hoạt động lập pháp, giám sát và các hoạt động khác của cơ quan lập pháp.