* Giám sát chuyên đề việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền
* Dự án Luật Người tàn tật: bảo đảm người tàn tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người, quyền tự do cơ bản mang tính toàn cầu
Ngày 18.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Hai ba.
Trong phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH đã giám sát chuyên đề việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ.
Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Người tàn tật.
Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh Pháp lệnh về Người tàn tật được UBTVQH ban hành năm 1998, hệ thống pháp luật hiện hành có 20 luật chuyên ngành và trên 200 văn bản hướng dẫn dưới luật có các quy định riêng liên quan trực tiếp đến người khuyết tật... đã tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người tàn tật trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi pháp luật về người tàn tật đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số cơ chế, chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống hoặc chưa được thực hiện đầy đủ. Người tàn tật chưa thật sự được tạo điều kiện tiếp cận hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, giao thông công cộng; các doanh nghiệp chưa nhận đủ số lao động là người tàn tật theo quy định; quỹ việc làm người tàn tật, quỹ hỗ trợ người tàn tật chưa được các địa phương quan tâm thành lập... Thực tế, hiệu quả thực hiện luật, pháp lệnh và các chính sách đối với người tàn tật chưa cao.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với quan điểm xây dựng dự án Luật Người tàn tật, hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm người tàn tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người, quyền tự do cơ bản mang tính toàn cầu và tạo điều kiện tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; đồng thời xây dựng xã hội không rào cản, theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Thập kỷ lần thứ II về người khuyết tật và đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc điều chỉnh các quy định pháp luật về người khuyết tật liên quan đến nhiều chính sách đã được ban hành trong các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Bình đẳng giới... nên dự thảo Luật cần phải được rà soát, đối chiếu, bảo đảm sự cân đối, đồng bộ với các đối tượng khác trong tổng thể chính sách an sinh xã hội.
Các Ủy viên UBTVQH yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục phát triển các quan điểm của Pháp lệnh Người tàn tật trên cơ sở tiếp cận những quan điểm của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà nước ta đã ký kết. Từ đó thay đổi cách nhìn đối với vấn đề người tàn tật ở góc độ xã hội chứ không đơn thuần ở góc độ y tế như trước đây. Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn các chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội, xóa bỏ rào cản xã hội để người tàn tật có thể tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Mặt khác, thực tiễn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Người tàn tật cho thấy, hạn chế lớn nhất chính là khâu tổ chức thực hiện nên cơ quan soạn thảo Luật cần đánh giá sâu sắc những tác động của các chính sách mới trong dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với quan điểm xây dựng Luật. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cần phân tích, dự báo các xu hướng trong tương lai, với sự gia tăng và quá trình già hóa dân số cùng với những tác động của quá trình phát triển KT-XH để làm rõ sự cần thiết phải có thêm những chính sách phù hợp trong phòng, ngừa và trợ giúp người tàn tật. Cần tiếp tục bổ sung các số liệu, phân tích và dự kiến nguồn lực tổ chức thực hiện các chính sách để bảo đảm tính khả khi của Luật.
Riêng về việc áp dụng luật đối với người khuyết tật là người nước ngoài, một số Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm của Thường trực UB Về các vấn đề xã hội: nên quy định theo tinh thần kế thừa quy định của Pháp lệnh Người tàn tật, thể hiện tính nhân văn tôn trọng quyền con người không chỉ đối với công dân Việt Nam mà cả với công dân của các nước khác đến sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Quy định như Pháp lệnh hiện hành cũng không ảnh hưởng tới khả năng thực thi Luật.