Theo chương trình, Phiên họp thứ 23 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 19-9. Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ tập trung vào sáu nội dung chính là xem xét cho ý kiến tám dự án luật là Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế nhà, đất; Luật Người tàn tật; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Nuôi con nuôi; Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Thi hành án hình sự.
Về giám sát chuyên đề, UBTVQH sẽ giám sát việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền. UBTVQH sẽ góp ý vào nhiều nội dung liên quan đến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6; cho ý kiến về việc bổ sung biên chế của Kiểm toán Nhà nước các năm 2009 và 2010; xem xét, quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng kiểm sát viên, điều tra viên VKSND các cấp trong các năm 2009 và 2010; thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu QH hoạt động chuyên trách. UBTVQH sẽ nghe báo cáo về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2009; cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2009 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009.
Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế tài nguyên. Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, dự án Luật Thuế tài nguyên được xây dựng nhằm thay thế Pháp lệnh thuế tài nguyên được ban hành năm 1998. Về cơ bản, dự án luật giữ nguyên các đối tượng chịu thuế tài nguyên như Pháp lệnh, gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên; thủy sản tự nhiên; nước thiên nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy nhiên, dự án luật đã nới rộng khung thuế và bổ sung về cách tính thuế so với pháp lệnh năm 1998.
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn về đối tượng chịu thuế; khung thuế và căn cứ tính thuế quy định trong dự án luật. Theo đại biểu Trần Thế Vượng, việc quy định tám nhóm đối tượng chịu thuế như trong dự thảo quá rộng và chung chung. Cùng với đó, khung thuế đối với các nhóm tài nguyên cũng quá rộng, trong đó thuế đối với khoáng sản kim loại từ 5% đến 30%; dầu thô từ 6% đến 30%; khí thiên nhiên từ 0% đến 25% và sản phẩm từ rừng tự nhiên từ 10% đến 40%. Việc quy định mang tính "khung" như vậy dẫn đến khó khăn trong khi áp dụng luật, thậm chí áp dụng tùy tiện, nảy sinh tiêu cực. Do vậy, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng mức thuế, tránh thất thoát tài nguyên đất nước. Ðại biểu Trương Thị Mai và đại biểu Hà Văn Hiền đề nghị Ban soạn thảo cho biết căn cứ để đưa ra mức thuế "sàn" và "trần" cách quá xa nhau như vậy; cần thu hẹp khung thuế và quy định cụ thể hơn nữa các đối tượng chịu thuế, tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng luật.
Căn cứ tính thuế đối với tài nguyên được nhiều đại biểu quan tâm. Ðại biểu Kso Phước cho rằng, căn cứ tính thuế trong dự án luật chưa hợp lý. Cụ thể, đối với việc sử dụng nước phục vụ các nhà máy thủy điện, dự luật tính thuế dựa theo sản lượng điện thành phẩm nhà máy đó sản xuất ra. Nhưng trên thực tế, để sản xuất ra cùng một sản lượng điện các nhà máy công nghệ lạc hậu sử dụng nhiều nước hơn, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên. Nhiều tài nguyên được tính thuế căn cứ vào sản lượng sản xuất định kỳ, trong khi hiện nay Nhà nước chưa ban hành định mức sử dụng tài nguyên, sản lượng sản xuất định kỳ vẫn do doanh nghiệp tự kê khai, chưa có cơ chế kiểm soát, nên dễ xảy ra thất thu thuế. Ðối với sản phẩm gỗ, dự luật quy định áp thuế theo sản phẩm tại bãi giao hàng. Tuy nhiên để đưa một cây gỗ ra khỏi rừng, các đơn vị khai thác đã phải đốn bỏ nhiều cây con, thậm chí nhiều ha rừng bị hủy hoại. Nhiều đại biểu đề xuất, Chính phủ sớm ban hành danh mục tài nguyên không tái tạo và cần áp dụng mức thuế cao hơn đối với các loại tài nguyên này.
Trong khi nhiều đại biểu đề nghị nâng mức thuế tài nguyên, thì đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước lại đề nghị giảm thuế. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Ðức Nhị cho biết, mức thuế hiện tại đã ở mức cao, khiến nhiều cơ sở lâm nghiệp gặp khó khăn. Do thuế cao khiến lợi nhuận của các cơ sở đạt thấp nên nguồn kinh phí bảo vệ và tái tạo rừng bị hạn chế. Nếu tiếp tục tăng thuế đối với sản phẩm rừng sẽ khiến tình trạng khai thác gỗ lậu gia tăng và các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung vào khai thác gỗ tốt, dễ khai thác khiến rừng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, cần tính thuế ở mức vừa phải và đây cũng là một trong những biện pháp bảo vệ rừng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề nghị miễn giảm thuế đối với đá xây dựng khai thác ở những địa hình khó khăn. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên cốt dương (từ mặt đất trở lên) nhằm giảm chi phí. Ðiều này khiến môi trường cảnh quan bị ảnh hưởng, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, cần có chính sách miễn giảm thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác vật liệu ở cốt âm (từ mặt đất trở xuống), tránh lãng phí tài nguyên và không ảnh hưởng đến môi trường. Dự kiến, dự án Luật Thuế tài nguyên sẽ được bổ sung, hoàn thiện và trình QH xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Thuế nhà, đất.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Thuế nhà, đất đưa ra ba phương án tính thuế đối với đất ở và hai phương án tính thuế đối với nhà.
Qua phân tích ưu điểm, nhược điểm, Chính phủ cho rằng, thực hiện theo phương án ba đối với thuế đất và phương án hai đối với thuế nhà có nhiều ưu điểm hơn và đáp ứng được yêu cầu của luật. Theo đó, thuế suất đối với đất ở sẽ được tính lũy tiến, trong đó diện tích trong hạn mức chịu mức thuế 0,03%/năm; phần diện tích vượt hạn mức chung không quá ba lần hạn mức chịu mức thuế 0,06%/năm; phần diện tích vượt trên ba lần hạn chung chịu mức thuế 0,09%/năm. Phần diện tích thuế trong hạn mức tại địa phương do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành (hiện nay hạn mức trung bình đất ở hộ gia đình, cá nhân tại đô thị khoảng 120 m2/hộ và nông thôn khoảng 350 m2/hộ).
Ðối với thuế nhà, áp dụng thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần trong đó áp dụng giá khởi điểm tính thuế đối với nhà ở là 500 triệu đồng, tức là nhà ở có giá tính thuế đến 500 triệu đồng thì không thu thuế; đối với phần hơn 500 triệu đồng chịu mức thuế 0,03%/năm. Giá tính thuế đối với đất ở và nhà được ổn định theo chu kỳ 5 năm kể từ năm đầu tiên luật có hiệu lực. Dự luật cũng đưa ra một số quy định liên quan đến miễn giảm thuế nhà, đất như các hộ thương binh, gia đình chính sách, người tàn tật...
Mặc dù ủng hộ sự cần thiết ban hành Luật Thuế nhà, đất, nhưng trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đã chỉ ra nhiều bất cập. Theo quy định, việc thu thuế dựa vào kê khai của người dân do vậy sẽ không chính xác, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, còn nếu Nhà nước tiến hành đo đạc sẽ phát sinh tốn kém. Cùng với đó, để thu được thuế luỹ tiến đối với người sở hữu nhiều nhà, đất phải có cơ sở quản lý dữ liệu nhà, nhưng hiện ở Việt Nam cơ sở này chưa đi vào vận hành. Ðối với thu thuế nhà, mặc dù mức khởi điểm được xác định đối với nhà hơn 500 triệu, nhưng lại chưa xác định được cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định nhà.
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi có nên thu thuế nhà không khi mà nhà là tài sản do chính người dân tự xây để ở và không phải đối tượng sinh lời. Ðại biểu Hà Văn Hiền cho rằng, dự luật có tính đặc thù và phức tạp, tác động đến hầu hết người dân, do vậy cần đưa ra phương án lấy ý kiến người dân trước khi ban hành. Ðại biểu Kso Phước đề nghị làm rõ cách tính thuế, trong đó phải phân chia nhà, đất theo vùng, miền để áp thuế phù hợp, không nên áp dụng chung như dự thảo luật.