Đoàn giám sát đã nghe các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh Hòa báo cáo về tình hình tổ chức thực hiện, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trên địa bàn.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh Hòa, hai năm qua, kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, công chức được triển khai sâu, rộng dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Việc rà soát, bổ sung, xây dựng thể chế, thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng được coi trọng. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng được phát huy. Công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, truy tố, xét xử được tăng cường. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trên địa bàn đã được xử lý kiên quyết, nghiêm minh. Khâu tự kiểm tra, phát hiện trong công tác đấu tranh, phát hiện các vụ việc, hành vi tham nhũng trong nội bộ các cơ quan trên địa bàn còn yếu. Nhận thức của một số cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức về công tác đấu tranh phòng, chống và phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra...
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục xem xét, đưa ra những đánh giá chính xác, cụ thể và bản chất hơn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trên địa bàn. Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị, các Báo cáo, nhất là Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh cần đánh giá tổng thể hơn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn; chú ý đến hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.