Giữ hình phạt tử hình tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy

20/06/2009

Quốc hội biểu quyết thông qua 4 nội dung quan trọng, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Nghị quyết về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014.

Sáng 19/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Nghị quyết về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Không đồng ý sửa đổi Điều 194

Quốc hội đã thông qua với đa số phiếu tán thành về việc bỏ hình phạt tử hình tại một số điều của Bộ Luật Hình sự: Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334); bỏ Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199).

Quốc hội đã không tán thành và không thông qua việc tách Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS) thành Tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194) và Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 194a).

Đa số kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của BLHS hiện hành và cho rằng đây là loại tội phạm nguy hiểm, các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy có sự gắn kết hữu cơ với nhau, trên thực tế có những vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý với số lượng đặc biệt lớn, diễn biến rất phức tạp, tính chất và mức độ phạm tội đặc biệt nguy hiểm nên việc giữ hình phạt tử hình đối với tội danh này là cần thiết để nhằm răn đe, phòng ngừa chung và trừng trị nghiêm khắc người phạm tội.

Quốc hội đã thông qua toàn bộ các điều luật sửa đổi với 74,04% số phiếu tán thành.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự với 88,44% số phiếu tán thành. Theo đó, Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Đối với những hành vi phạm tội được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1/1/2010 và đã có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì không được căn cứ vào những quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự này có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 01 năm 2010, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và c khoản này. Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được công bố không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý quy định tại khoản 4 Điều 194 của Bộ luật hình sự; người phạm các tội quy định tại khoản 3 Điều 111, khoản 4 Điều 139, khoản 4 Điều 153, khoản 3 Điều 180, khoản 4 Điều 197, khoản 3 Điều 221, khoản 4 Điều 289 và khoản 4 Điều 334 của Bộ luật hình sự.

Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người được nêu tại điểm này nhưng chưa thi hành thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân...

Áp dụng chính sách học phí mới từ năm học 2010-2011

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đổi mới Nghị quyết về chủ trương, định hướng một số cơ chế tài chính trong giáo dục-đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Theo đó, về ý kiến đề nghị tăng chi ngân sách cho giáo dục mầm non hoặc miễn học phí đối với bậc học này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, giáo dục mầm non là một trong những bậc học được ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư. Hơn nữa, Dự thảo Nghị quyết lần này đã quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và hướng tới miễn học phí cho bậc học mầm non.

Về đề nghị miễn giảm học phí đối với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh trường dân tộc nội trú. UBTVQH cho rằng, trên thực tế hiện nay Nhà nước đã thực hiện miễn giảm học phí cho các đối tượng này. Đặc biệt, học sinh tại các trường dân tộc nội trú không những được miễn học phí mà còn được Nhà nước cấp học bổng và nuôi ăn, ở và chính sách đối với các đối tượng này cũng đã được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết. 

Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Theo đó, mức học phí và lộ trình thực hiện như sau: Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, trong điều kiện nguồn lực nhà nước chưa đủ để miễn học phí thì mức học phí được xác định theo từng vùng và ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phù hợp với thu nhập bình quân và khả năng đóng góp thực tế của hộ gia đình, thực hiện tăng dần theo lộ trình hợp lý, mức trần chỉ áp dụng vào năm học 2014-2015.

Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập, học phí được xác định theo các nhóm ngành nghề đào tạo và các bậc học, gắn với chất lượng đào tạo, thực hiện lộ trình tăng dần, phù hợp với nguyên tắc chia sẻ và khả năng đóng góp thực tế của người học.

Chính sách học phí mới được thực hiện từ năm học 2010-2011. Riêng năm học 2009-2010, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ra khỏi suy giảm kinh tế, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập (trừ đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp nghề) chỉ thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ trước khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Cần bổ sung quy định về giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trình bày, đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí về việc cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều ở một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm cải cách thủ tục, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình.

Một số ý kiến tuy nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, nhưng cho rằng, vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản liên quan đến nhiều luật, thời gian chuẩn bị còn ít, để bảo đảm chất lượng thì cần thêm thời gian nghiên cứu, xem xét, rà soát kỹ lưỡng, sửa đổi toàn diện các luật liên quan, do vậy, đề nghị xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình tại 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Nhà ở là để thực hiện Nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội về thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của tuyệt đại bộ phận cử tri cả nước và là vấn đề đã được bàn nhiều lần trong các phiên họp của Quốc hội. Mặt khác, đây cũng là nội dung có liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Qua làm việc với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các doanh nghiệp, các ý kiến đều cho rằng việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân, hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Có một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về giải phóng mặt bằng, là vấn đề có nhiều vướng mắc, liên quan trực tiếp đến đầu tư XDCB; bổ sung thêm phần đấu thầu trong Luật di sản văn hóa; sửa đổi, bổ sung các quy định trong khâu thanh quyết toán; bổ sung sửa đổi một số điều của Luật đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng đang là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất của Nhà nước, bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi,… Hiện nay, các cơ quan của Chính phủ đã trình và Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định có liên quan về vấn đề này. Đối với một số vấn đề khác cần phải sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu để trình Quốc hội vào thời gian tới đây mà không đưa vào dự án Luật này.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở, Luật đất đai với đa số phiếu tán thành.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 75 năm

Qua thảo luận, có ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật tăng thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 75 năm. Có ý kiến đề nghị giữ thời hạn bảo hộ quyền liên quan như quy định hiện hành. Ý kiến khác cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật  về thời hạn bảo hộ, nhưng đề nghị rà soát kỹ quy định của các công ước về quyền tác giả, quyền liên quan vì cho rằng một số quy định về thời hạn bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành và dự thảo Luật vượt quá hoặc chưa phù hợp với quy định của Hiệp định về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs), Công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Công ước Berne) và Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA).

Qua rà soát các cam kết quốc tế đa phương và song phương về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, UBTVQH cho rằng, về nguyên tắc, tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, có trường hợp tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không công bố tác phẩm trong thời hạn 25 năm tính từ khi tác phẩm được định hình. Trong trường hợp này, việc quy định thời hạn được bảo hộ tối đa là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình là nhằm khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sớm công bố và cũng đã tránh trường hợp lợi dụng để kéo dài thời hạn được bảo hộ. Ví dụ, nếu tác phẩm điện ảnh được công bố trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm đó được định hình thì thời hạn bảo hộ là 75 năm; nếu đến năm thứ 30 kể từ khi tác phẩm được định hình mới công bố thì thời hạn bảo hộ chỉ còn là 70 năm. Như vậy, trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm định hình, mà tác phẩm được công bố thì thời hạn được bảo hộ cao nhất là 75 năm và nếu càng công bố muộn thì thời hạn được bảo hộ càng ít đi.

Chiều 19/6, vào lúc 14 giờ, Đài TNVN và THVN sẽ tường thuật trực tiếp phiên bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII./.

 

Vũ Hạnh-Bích Lan

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác