Chứng chỉ hành nghề y dược cần có giá trị trong toàn quốc

16/06/2009

Theo các đại biểu Quốc hội, thời gian trước mắt các cán bộ y tế công tác ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập chưa cần cấp chứng chỉ hành nghề vì họ đã có sự quản lý của Nhà nước về tay nghề, trình độ…

Sáng nay (15/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên làm việc.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: cấp chứng chỉ hành nghề và thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề; quyền và nghĩa vụ của bác sĩ và người bệnh; việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB)…

Khám chữa bệnh công-tư: đều cần chứng chỉ

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề y là cần thiết, bởi xu hướng chung hiện nay là bất cứ cá nhân hành nghề gì cũng cần phải có chứng chỉ. Theo đại biểu, cần cấp chứng chỉ cho cả bác sĩ hoạt động ở cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và nhà nước. “Điều này còn đảm bảo sự công bằng trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế công và y tế tư nhân” - đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) thì cho rằng, đối với những người làm việc trong cơ sở KCB tư nhân thì nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề để xác định có đủ trình độ hay không.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (đoàn Tiền Giang) cũng đồng tình với các quan điểm này, nhưng theo đại biểu “Hiện nay, hệ thống KCB công có khoảng 280.000 người nhưng không cần thiết phải cấp chứng chỉ ngay vì những người này đã được Nhà nước quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu cán bộ y tế nào muốn làm thêm, có nguyện vọng thì nên cấp chứng chỉ hành nghề cho họ”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sáng, Bộ Y tế nên quy định tiêu chuẩn quốc gia về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thống nhất trong cả nước; trên cở sở các tiêu chuẩn quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy chứng chỉ có giá trị toàn quốc. Đại biểu cũng đề nghị, việc xét cấp chứng chỉ này cần có sự giám định của các hiệp hội như: Hiệp hội hành nghề y, hội người tiêu dùng, đoàn luật sư…

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần ước tính tổng chi phí cho việc cấp chứng chỉ.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị dự thảo luật cần bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền lợi của bệnh nhân, tránh tình trạng người bệnh đặt hoàn toàn niềm tin vào bác sĩ nhưng bác sĩ lại khám bệnh qua loa, không có trách nhiệm.

Các đại biểu cũng cho rằng, Luật nên qui định sự thống nhất quản lý về chuyên môn đối với lĩnh vực y dược. Chính vì thế, các y, bác sĩ của quân đội, công an đều do Bộ Y tế quản lý về chuyên môn. Vì thế, Bộ Y tế cũng sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ hoạt động trong các bệnh viện của lực lượng vũ trang.

Một số ý kiến khác cũng yêu cầu cần làm rõ mối quan hệ giữa Luật này và Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, theo đó liệu bệnh nhân AIDS, người mắc bệnh truyền nhiễm và thầy thuốc điều trị cho họ có phải tuân theo các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh hay không.

Chứng chỉ nên cấp một lần

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội trường đều cho rằng, nên để chứng chỉ hành nghề có giá trị trong toàn quốc để phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế hiện nay.

Về thời hạn của chứng chỉ, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa: “Chỉ nên cấp giấy một lần, không nhất thiết là 5 năm phải thay để tránh gây trở ngại, ách tắc. Nếu người được cấp chứng chỉ vi phạm thì sẽ thu hồi chứng chỉ”.

Theo một số đại biểu, trong thực tế việc đổi hoặc gia hạn hầu như không có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng KCB, mà chỉ mang tính hình thức, rườm rà và lại làm tăng gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề quan trọng nhất sau khi cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động là công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ, duy trì các điều kiện hành nghề, cũng như các quy định pháp luật liên quan đến KCB.

“Thương hiệu của bác sĩ là do sự tín nhiệm của bệnh nhân làm nên” - đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Cần lộ trình cấp giấy phép hoạt động

Theo các đại biểu Quốc hội, việc cấp giấy phép hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các cơ sở y tế, bởi muốn được cấp giấy phép phải có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyên môn theo quy định của Luật. Việc cấp phép lại cũng là điều kiện để đánh giá các cơ sở y tế sau một thời gian hoạt động có tiếp tục đáp ứng được yêu cầu hay không.

Tuy nhiên, một số cơ sở KCB Nhà nước chưa đủ điều kiện, liệu có được cấp giấy phép hay không, ví dụ hiện nay gần 60% bệnh viện công không có hệ thống xử lý nước thải, nhiều bệnh viện huyện miền núi thiếu bác sĩ trầm trọng, nhiều trạm y tế xã không đạt chuẩn....

Theo đại biểu Trần Văn Đán (đoàn Bình Định), đối với cơ sở KCB Nhà nước, việc cấp giấy phép sẽ được thực hiện theo lộ trình nhất định cùng với việc nhà nước tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở KCB để đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Một số đại biểu cho rằng, nước ta hiện nay còn nghèo, nhiều vùng còn chưa có bác sĩ, nếu đợi cấp phép hoạt động thì lấy ai khám chữa bệnh cho dân.

Liên quan đến qui định y, bác sĩ tham gia khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, nên hạn chế cán bộ công chức, viên chức tham gia khám chữa bệnh tư nhân chứ không nên cấm tuyệt đối. Bởi hiện nay kinh tế nước ta còn khó khăn, lương của cán bộ còn thấp. Sự cho phép này sẽ giúp bác sĩ có thêm thu nhập, tân dụng chất xám, không bị chảy máu nguồn lực từ công sang tư.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

 

Vũ Hạnh-Bích Lan

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác