Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo với QH các nhóm vấn đề lớn: Đánh giá tình hình, chính sách kích thích kinh tế, các gói kích cầu, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo, các dự án bauxite và về việc chuẩn bị các giải pháp cho thời kỳ phát triển sau suy giảm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư VÕ HỒNG PHÚC: Vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Nhiều ĐBQH tập trung chất vấn về “tình hình sức khỏe” của các doanh nghiệp (DN), trong đó có hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) – vốn được coi là “được ưu ái về nhiều mặt”, đơn cử như cấp đất, bảo lãnh tín dụng...
Giải đáp băn khoăn của ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh), Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, trong 5 tháng đầu năm qua, cả nước có 34.800 DN đăng ký thành lập mới và chỉ có 2.400 DN ngừng hoạt động. Tính chung từ khi bắt đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp đến nay, tỷ lệ DN đang tiếp tục hoạt động so với đăng ký là 83%, một tỷ lệ khá cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời điểm này nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có giảm nhưng so với khu vực vẫn rất tốt, lên hạng về mức độ hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn, DNNN về cơ bản vẫn đảm bảo vai trò “đầu tàu kinh tế”, chẳng hạn TCT Xi măng vừa qua đã đẩy mạnh sản xuất, góp phần thúc đẩy lĩnh vực xây dựng tăng trưởng tới 9%. VNPT, Viettel cũng có đóng góp lớn vào tăng trưởng.
“Có thực tế là hệ số đầu tư (ICOR) năm nay cao hơn năm trước và ICOR ở khối DNNN cao hơn các khối khác, nhưng ICOR chỉ phản ánh chính xác hiệu quả kinh tế trong điều kiện phát triển bình thường; còn hiện nay, ta đang phải khắc phục suy giảm kinh tế nên tỷ lệ đầu tư cho xã hội cao, cho cơ sở hạ tầâng lớn...”, Bộ trưởng giải thích.
Chưa hài lòng với trả lời của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều ĐBQH sau đó đã tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, DNNN.
Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN SINH HÙNG: GDP 5%, bội chi 7% là hợp lý
Trình bày với Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Quá trình phục hồi kinh tế thế giới có thể sẽ còn kéo dài vài ba năm nữa. Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm đã có bước cải thiện, tuy còn chậm chạp, nhưng có dấu hiệu cho thấy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nền kinh tế của chúng ta tuy chưa rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng mức suy giảm là khá nặng và vẫn còn nguy cơ tái lạm phát, phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2009, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5% và bội chi khoảng 7% GDP là hợp lý.
“Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ sẽ điều hành mức bội chi thấp nhất và giảm dần trong các năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nói.
Đưa ra những số liệu cụ thể về mức đóng góp ngân sách của khối DNNN (thấp hơn nhiều so với khối DN ngoài quốc doanh) cũng như nguồn vốn nhà nước mà khối DNNN được cấp, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) hỏi thẳng: “Quá trình cổ phần hóa (CPH) các DNNN quá trì trệ, nguyên nhân tại đâu? Nếu 1-7-2010 mà các DNNN không chuyển đổi CPH thì hoạt động như thế nào? Trong khi các DNNN được phân bổ rất nhiều vốn từ gói kích cầu thì Tập đoàn Dầu khí lại tăng giá khí làm khó ngành điện, Tập đoàn Điện lực tăng giá điện làm khó dân”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, CPH phải được tiến hành khẩn trương nhưng thận trọng, đối với một số lĩnh vực Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo để góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Về hiệu quả hoạt động của DNNN, năm 2008 khối này tăng trưởng bình quân khoảng 10%, đóng góp khoảng 4% GDP, trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, chưa có DNNN nào sa thải lao động.
“Chúng ta coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi loại hình kinh tế cùng phát triển bình đẳng. Không thể phủ nhận vai trò nòng cốt của DNNN, vấn đề là đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) về chính sách đối với hộ nghèo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, phấn đấu đến năm 2020 đời sống của người dân ở những khu vực khó khăn nhất phải được cải thiện gấp nhiều lần.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Tách từ huyện nghèo ra thì vẫn được coi là huyện nghèo, không “gói gọn” phạm vi dự án trong 61 huyện, cũng không chỉ gói gọn trong phạm vi xã, mà không phân biệt thôn, bản, xã hay thị trấn”.