Thưa ông, QH đã quyết định chất vấn bộ trưởng, thành viên Chính phủ nào? Tại kỳ họp này, Thủ tướng có trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH?
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất sẽ có 6 bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn lần này, đó là Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên và cuối cùng là Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc.
Sau khi 6 bộ trưởng trả lời, ý của Thủ tướng là sẽ phân công Phó Thủ tướng thường trực báo cáo những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, giải thích thêm. Sau đó ĐB có quyền hỏi, có thể là Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng trả lời. Ý của Thủ tướng là sẵn sàng đối thoại, trả lời các đại biểu QH.
Thủ tướng lần này phân công Phó Thủ tướng thường trực là vì thường theo thông lệ, kỳ họp giữa năm, thay mặt Chính phủ là Phó Thủ tướng thường trực, còn cuối năm là Thủ tướng. Theo luật là Thủ tướng trả lời, nhưng Thủ tướng có quyền phân công các phó thủ tướng thay mặt trả lời chất vấn.
Thưa ông, việc điều hành chất vấn lần này có gì mới hơn so với các kỳ trước. Câu hỏi, cách hỏi lòng vòng, dài dòng, câu trả lời không đi đến tận cùng của vấn đề thì sẽ xử lý thế nào? Liệu QH có ra nghị quyết về chất vấn?
- Theo luật, khi cần thiết QH sẽ ra nghị quyết, nhưng khi đã ra nghị quyết có nghĩa là cần quy ra được trách nhiệm cụ thể, ai sẽ xử lý việc đó, khi nào thì xử lý xong? Việc này UBTVQH cũng rất quan tâm và bàn bạc, nhưng phải chờ diễn biến phiên chất vấn. Còn cái mới lần này là vận dụng giống như kỳ họp thứ tư, các thành viên Chính phủ trả lời theo nhóm vấn đề và không đọc báo cáo chuẩn bị sẵn.
Tất cả các trả lời chất vấn gửi cho đại biểu bằng văn bản sẽ không đọc lại. Ra trước diễn đàn là chỉ báo cáo vắn tắt thực hiện kết quả lời hứa: Đã làm được gì, đến đâu, còn lại dành thời gian để ĐB hỏi. Đồng thời, trong quá trình hỏi nếu có vấn đề liên quan đến bộ khác thì bộ trưởng của bộ đó sẽ nói thêm. Ví dụ, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT hay LĐTBXH, nếu có vấn đề tài chính thì ĐB hoặc chủ toạ sẽ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời luôn. Đó là những điểm mới để làm cho hoạt động chất vấn trở thành đối thoại giữa các ĐB với các thành viên Chính phủ để làm rõ vấn đề hơn.
Thưa ông, trên thực tế việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng được tiến hành thế nào? Chẳng nhẽ, QH lại chỉ trông chờ và phụ thuộc vào báo cáo tóm tắt lời hứa của chính bộ trưởng nói trước diễn đàn QH?
- Đây là một chức năng của ĐBQH, đoàn ĐBQH và các cơ quan của QH. UBTVQH cũng đã làm được nhiều việc. Các bộ trưởng đã có văn bản báo cáo về việc thực hiện lời hứa của mình. Ví dụ đến giờ tôi đã nhận được báo cáo của Bộ trưởng Bộ TNMT, Bộ trưởng GDĐT, Bộ trưởng LĐTBXH trả lời các vấn đề liên quan đến lời hứa, nhưng đồng thời UBTVQH và các cơ quan QH cũng có những giám sát, mà tại kỳ họp này sẽ công bố chuyên đề giám sát về chương trình tái định cư thuỷ điện Sơn La.
Tại diễn đàn QH sẽ báo cáo giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nội dung liên quan đến cả lời hứa của Chính phủ cũng như giám sát của QH, đoàn ĐBQH.
Đối với những vấn đề tồn tại bức xúc qua nhiều kỳ họp, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc chất vấn trách nhiệm, QH cần có phương thức mạnh mẽ hơn như đánh giá năng lực và đo sự tín nhiệm của thủ lĩnh ngành? Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Nếu QH có ý kiến thì sẵn sàng đưa vào nghị quyết ngay, nhưng vấn đề còn phụ thuộc vào tình hình ngày chất vấn sắp tới đây. Hơn nữa, cần phải xem xét, đánh giá cả quá trình làm việc của các thành viên Chính phủ. Các vị ĐBQH, cử tri và nhân cả nước có quyền giám sát. Thực tế, có những việc không phải một thành viên Chính phủ giải quyết được, mà cần phải có sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị thì mới làm được.
- Xin cảm ơn ông!