Các đại biểu cho rằng, Ðảng và Nhà Việt Nam luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đã khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Trong những năm qua, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng đã dành tỷ lệ đáng kể đầu tư cho giáo dục hằng năm bằng 20% trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đã được chuẩn bị rất công phu. Về mục tiêu tổng quát, các chính sách học phí và hỗ trợ cho người học, nhất là đối với bậc học mầm non và bậc học phổ thông đã thể hiện được tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, với quan điểm hộ gia đình có thu nhập cao thì đóng góp nhiều hơn, hộ gia đình có thu nhập thấp thì đóng góp ít hơn. Ðiểm mới trong đề án là không cào bằng, có sự phân hóa cao giữa các đối tượng học, các ngành học, chú trọng tới gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng kinh tế khó khăn. Hơn nữa, đề án đã tạo được cơ chế khuyến khích các lực lượng xã hội tham gia và đầu tư cho giáo dục, góp phần thực hiện xã hội hóa giáo dục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho đối tượng có điều kiện học tập được hưởng dịch vụ giáo dục với chất lượng cao.
Một số đại biểu bày tỏ đồng tình việc điều chỉnh học phí không phải là để tăng lương cho giáo viên, nhưng điều chắc chắn là nó sẽ cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện làm việc cho các giảng viên, cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên. Ðiều đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và người hưởng lợi cuối cùng cũng chính là người học. Ở nhiều nước trên thế giới, việc điều chỉnh học phí hằng năm là việc bình thường và tất yếu. Cơ sở của sự điều chỉnh ấy là việc bù đắp tỷ lệ lạm phát của năm trước cộng với tỷ lệ tăng để đầu tư cơ sở vật chất. Xã hội đồng tình chấp nhận sự chia sẻ ấy.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ, trong tình hình kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế thế giới như hiện nay, việc điều chỉnh tăng bất kỳ khoản thu đóng góp nào của người dân là vấn đề nhạy cảm, cần được sự đồng thuận cao của xã hội. Mặt khác, đề án được đưa ra trong thời điểm nhạy cảm khi kinh tế Việt Nam đứng trước khó khăn, và học sinh bỏ học đang là vấn đề xã hội bức xúc. Vì thế, đề án phải đánh giá được thực trạng tình hình sử dụng, quản lý tài chính giáo dục thời gian qua như thế nào, chất lượng giáo dục và hiệu quả sử dụng ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo ra sao, cái gì được, chưa được.
Ðại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói, Ðề án vừa qua đã được đa số các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH đánh giá xây dựng công phu với độ dày 131 trang, riêng báo cáo tóm tắt đã là 16 trang. Tuy nhiên, nội dung Ðề án còn thiếu tính thực tiễn, khách quan và khoa học. Trong tám nhóm giải pháp đề án chỉ tập trung phân tích mỗi giải pháp đổi mới chính sách học phí, hay chính xác hơn là tăng học phí. Các nhóm giải pháp còn lại đề cập rất mờ nhạt nên có thể khẳng định rằng đây chưa phải là đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Ðà Nẵng) nhận xét, Ðề án lần này tác động hàng chục triệu gia đình có con em đi học từ mẫu giáo đến bậc đại học. Khi đề án này được trình ra QH nhiều đại biểu và cử tri băn khoăn, lo lắng liệu đề án đã chín muồi chưa. Tại sao trong thời điểm hiện nay lạm phát, giá cả tăng nhanh, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn thì Chính phủ đã trình ra Ðề án đổi mới cơ chế tài chính, thực chất là tăng học phí? Trong khi đó, bộ chủ quản chưa đưa ra một đề án cải cách nền giáo dục nước nhà nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Trong số các nội dung quan trọng của Ðề án, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo nên nghiên cứu, đề xuất với QH về chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với bậc học mầm non, theo hướng nên miễn học phí như bậc tiểu học. Bởi vì, bậc học mầm non có ý nghĩa rất quan trọng, là bước khởi đầu của việc hình thành nhân cách học sinh. Trong đề án đề xuất tiếp tục thu học phí của bậc học này là không thỏa đáng. Ðại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cho rằng, trước mắt cần tăng diện được miễn giảm học phí, nhất là bậc học mầm non, mẫu giáo. Việc cấp bù, một khi điều kiện kinh tế-xã hội của chúng ta tốt hơn thì chúng ta được thể chế bằng hình thức cấp bù. Một số đại biểu phân tích nội dung giải trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là không thuyết phục khi cho rằng, nếu miễn học phí cho đối tượng này sẽ không còn kinh phí đầu tư cho các đối tượng khác như giáo dục đại học, cao đẳng... Ðại biểu Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) nói, trẻ ở bậc học mầm non cần được hưởng những gì tốt đẹp nhất của xã hội. Việc thu học phí dù ở mức nào đi nữa cũng khó chấp nhận. Ðại biểu này nêu vấn đề thực tiễn ở tỉnh Tuyên Quang có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, cho con đi học từ bậc mầm non là một cố gắng lớn. Việc đóng học phí cho con đi học bậc mầm non rất khó thực hiện tại địa phương. Ðại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cũng đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các chính sách ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục, nhất là các chính sách có liên quan dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có sự kế thừa và phát triển đúng mức khi xây dựng các chính sách cụ thể thực hiện cơ chế tài chính mới về giáo dục. Theo đó, nếu như không có các chính sách ưu tiên thì khó có thể rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mặt bằng dân trí giữa các dân tộc thiểu số với mặt bằng dân trí chung.
Nhấn mạnh học sinh phổ thông và mầm non là đối tượng cần được sự đầu tư chăm lo của xã hội nhiều nhất, đại biểu Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên- Huế) cho rằng: Nếu vì mức chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo bị khống chế bởi 20% mà chia sẻ khó khăn cho tất cả các cấp học, hệ đào tạo là chưa hợp lý. Ðại biểu Phạm Thị Hải (Ðồng Nai) kiến nghị, để bảo đảm mục tiêu tất cả trẻ em đều được đến trường thì Nhà nước là người chi lớn nhất cho giáo dục mầm non và phổ thông. Việc miễn, giảm học phí và trợ cấp cho các em thuộc các đối tượng chính sách, học sinh nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn là cần thiết và hết sức nhân văn, cần được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn kinh tế đặc biệt khó khăn như hiện nay. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị phải thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực tài chính cho giáo dục và thực hiện đề án.
Một số đại biểu khác đề cập nội dung về chính sách, nguyên tắc và phương pháp xác định học phí đối với mầm non và phổ thông. Ðại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (TP Hà Nội) cho rằng, theo đề án mức học phí tại trường mầm non và phổ thông đại trà được tính theo thu nhập bình quân đầu người ở từng khu vực thuộc tỉnh. Cách thức tính như vậy theo tôi có một số điểm chưa hợp lý. Bởi vì, hiện nay Việt Nam mới chỉ tính được mức thu nhập trung bình ở cấp tỉnh, một số nơi tính được thu nhập trung bình ở cấp quận, huyện nhưng không phải tất cả. Như vậy, nếu xác định nội dung này để tính mức học phí thì sẽ khó xác định được thu nhập trung bình của các vùng trong một tỉnh làm căn cứ để tính học phí. Cần giao cho HÐND cấp tỉnh quyết định mức học phí các cấp học trong giới hạn không quá 5% thu nhập bình quân của địa phương mình, trên cơ sở phù hợp chất lượng đào tạo của các trường và điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng đặc thù thuộc tỉnh như nội thành, ngoại thành, trung du, miền núi... Theo đại biểu này, chính sách học phí trong đề án chưa gắn giữa học phí với chất lượng đào tạo, điều đó không khuyến khích được các trường mầm non và phổ thông đại trà đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, dễ phát sinh tiêu cực. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) băn khoăn vấn đề làm thế nào xác nhận đúng hộ nghèo, thu nhập thấp để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, vì trên thực tế, ở một số địa phương, cán bộ đã làm sai việc xác nhận hộ nghèo, dẫn đến tiêu cực. Có đại biểu nhấn mạnh: Khi thực hiện đề án, ngành giáo dục và đào tạo phải chấm dứt cho được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Nhiều đại biểu đề nghị, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục trong tình hình hiện nay cần rà soát và tái cấu trúc lại nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục theo hướng tập trung về một đầu mối, phân cấp hợp lý cho ngành và địa phương. Bên cạnh đó, cần sửa đổi những bất cập trong tỷ lệ phân bổ nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo, và những quy định thu chi vừa tạo ra những cơ chế thông thoáng, vừa có những chế định giám sát chặt chẽ để nguồn vốn được sử dụng một cách chủ động và hiệu quả nhất. Thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ tạo động lực lớn cho giáo dục Việt Nam khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay.
Nhiều đại biểu ủng hộ Ðề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, vì không đổi mới cơ chế tài chính thì không thể nào nâng cao được chất lượng giáo dục, đào tạo. Ðề án được QH thông qua lần này và thực hiện trong năm nay sẽ là cơ sở quan trọng để Ðảng ta trong Ðại hội tới nghiên cứu về chiến lược giáo dục một cách toàn diện hơn.
Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu ý kiến làm rõ hơn một số vấn đề của "Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014" mà các đại biểu QH đặt ra trong thảo luận. Phó Thủ tướng nêu rõ: Ðề án này của Chính phủ trình QH được chuẩn bị nghiêm túc, nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người trong xã hội gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ðề án trình ra QH một số giải pháp thực hiện cho được hai mục tiêu kể trên, trong đó giải pháp "đột phá" là sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của NSNN dành cho giáo dục và đào tạo, gắn với tăng thêm đầu tư của Nhà nước và đóng góp hợp lý của nhân dân cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp thụ những ý kiến đóng góp xây dựng và xác đáng của các đại biểu QH về các nội dung đổi mới cơ chế giáo dục, đổi mới cơ chế tài chính được nêu trong đề án, nhất là các vấn đề cụ thể như mức đóng góp, đầu tư tốt hơn cho bậc học mầm non, dạy nghề, và miễn giảm học phí ở một số bậc học khác; nêu rõ việc miễn giảm học phí cho học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn; động viên các nguồn lực khác của những gia đình có thu nhập khá cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước bảo đảm miễn phí cho bậc học mầm non, phổ thông cơ sở; có chính sách miễn giảm học phí ở một số bậc học khác, kể cả dạy nghề. Nếu đề án được QH thông qua, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục và đào tạo làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên đánh giá phiên thảo luận về Ðề án có chất lượng và hiệu quả của QH, đưa ra được những vấn đề bức xúc và thiết thực cần được xem xét, giải quyết trong sự nghiệp giáo dục của đất nước; tán thành cần tăng nguồn lực của Nhà nước và xã hội và sử dụng các nguồn lực đó sao cho hợp lý và hiệu quả để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu CNH, HÐH đất nước. QH sẽ phối hợp Chính phủ để chỉnh lý rõ hơn các giải pháp nêu trong đề án. QH sẽ có Nghị quyết về chủ trương, định hướng về việc đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014.
QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đọc Báo cáo giải trình, tiếp thụ của Ủy ban Thường vụ QH về quyết toán NSNN năm 2007, và dự thảo Nghị quyết của QH về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2007. Với đa số phiếu tán thành, QH lần lượt biểu quyết thông qua tổng thu, tổng chi và bội chi NSNN năm 2007. Cuối cùng, với 414 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 83,98% so với tổng số đại biểu, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2007.