Là một cán bộ trong ngành giáo dục, ĐB Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên – Huế) yêu cầu cụ thể hóa 7 nội dung này để có cơ sở thực hiện. Ngoài ra, quy định học phí còn mang tính bình quân, không phân biệt nhóm ngành có đặc thù khác nhau.
“Các ngành kỹ thuật công nghệ cao, y dược... chi phí đào tạo rất có thể lớn hơn các ngành khoa học xã hội và nhân văn nhiều”, ông Toàn nói.
Cũng liên quan đến học phí học nghề, ĐB Phùng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định học phí trung cấp nghề (thường học viên là những em học sinh hoàn cảnh khó khăn) bằng với học phí cao đẳng nghề là bất hợp lý, không khuyến khích phát triển đội ngũ thợ lành nghề.
Đặc biệt, ĐB Toàn và hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội trường sáng nay đều đề nghị miễn học phí cho bậc học mầm non.
ĐB Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) cho rằng, luận điểm “miễn học phí cho bậc học này sẽ không còn tiền chi cho các bậc học khác” là không thuyết phục. “Thực ra khoản học phí thu được từ bậc học này không lớn, đổi lại, khi miễn học phí, chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích xã hội khác”, bà nói.
ĐB Phùng Văn Toàn đồng ý: “Nếu miễn phí cho bậc mầm non mà phải giảm quy mô đào tạo thì phải xem lại bậc đại học (hiện nay cứ 2 học sinh mẫu giáo có 1 sinh viên đại học là không cân đối), vì thế chúng ta cứ mãi ở tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ”.
Phân tích nguyên tắc xây dựng Đề án, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) nhận xét thẳng thắn: “Chủ trương của Chính phủ là rất đúng đắn, nhưng nhiều nội dung trong Đề án thì còn phải bàn. Tôi đề nghị QH thống nhất chủ trương, yêu cầu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Đề án, giao Ủy ban Tài chính Ngân sách phản biện cho đúng chuyên môn. Chính phủ cũng cần đưa một số phương án để Đại biểu quốc hội có sự so sánh, lựa chọn”.