Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Đa số ý kiến đều nhất trí về việc cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều ở một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra.
Không nên điều chỉnh dự án
Đối với Luật Xây dựng, việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, một số ý kiến lo ngại quy định như dự thảo Luật sẽ tạo ra kẽ hở cho chủ đầu tư thay đổi hạng mục mặc dù vẫn bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư. Một số đại biểu đề nghị nên cho phép chủ đầu tư quyết định điều chỉnh tổng dự toán khi giá vật tư thay đổi và sự thay đổi giá đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, khi xây dựng dự án thì đã được tính toán kỹ lưỡng, do vậy, cần cân nhắc có nên cho phép điều chỉnh không, vì dễ dẫn đến tiêu cực.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, khi điều chỉnh sẽ làm chậm tiến độ thi công dự án, tốn kém thời gian. Trường hợp điều chỉnh dự án do yếu tố trượt giá là không cần thiết, cho dù việc điều chỉnh này không vượt tổng mức đầu tư.
Còn đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị cần gỡ nút thắt cổ chai về thủ tục hành chính dẫn đến đầu tư xây dựng cơ bản chậm như thời gian qua. Đại biểu cho rằng, các công trình được cấp phép đầu tư rồi thì không cần giấy phép xây dựng nữa. Bởi thực tế, việc cấp phép xây dựng kéo dài, mất rất nhiều thời gian của nhà đầu tư. "Đề xuất này xuất phát từ chính thực tế đầu tư xây dựng cơ bản ở thành phố Hồ Chí Minh" - đại biểu Trần Du Lịch nói.
Về việc giao tổ chức xã hội- nghề nghiệp công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (Điều 43), nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy không phù hợp thực tế và không rõ về trách nhiệm; vấn đề ở đây là cần có biện pháp nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước, vì vậy, không tán thành quy định này. Một số ý kiến khác cho rằng, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp bao gồm nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, tránh sự quá tải cho các cơ quan nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến: “Nhiều công trình vừa nghiệm thu chưa kịp đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Vì thế, việc đánh giá chỉ tiêu kỹ thuật nên mở rộng ra cả việc đánh giá hiệu quả sử dụng của công trình. Chúng ta cũng cần phải cân nhắc việc chủ đầu tư sử dụng thông tin của tổ chức xã hội nghề nghiệp có phù hợp hay không. Điều cần làm ở đây là phải nâng cao năng lực của các cơ quan Nhà nước”.
Quan tâm đến uy tín nhà thầu
Có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi các nội dung của Luật đấu thầu chưa khắc phục được tình trạng thông thầu đang diễn ra hiện nay; quy định Luật đấu thầu hiện hành đã rõ, xảy ra tiêu cực là do người thực hiện không đúng nên cần có chế tài mạnh hơn để xử lý người vi phạm. Cần có quy định cụ thể quy định rõ tiêu chí “gói thầu lớn” và “gói thầu nhỏ”; quy định chế tài xử lý đủ mạnh để tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu để lách luật.
Theo đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Định), Chính phủ cần quy định chặt chẽ hơn về tiêu chí chỉ định thầu, quy định về giá trị chỉ định thầu không thể như nhau đối với các loại công trình có tính chất khác nhau.
Còn đại biểu Phạm Thị Thu Hà thì thẳng thắn cho rằng, đấu thầu của chúng ta hiện nay vẫn nặng về tài chính hơn là kỹ thuật. Đại biểu cũng cho rằng, chế tài để xử lý vi phạm trong đấu thầu qui trong dự thảo Luật chưa có tính răn đe cao và chưa rõ ràng (cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân bị cảnh cáo liên tục ba lần khi vi phạm-điểm a khoản 1 Điều 75). Làm cách nào để biết rằng nhà thầu đó đã vi phạm và vi phạm liên tục 3 lần. Đại biểu cho rằng, trong hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu có giấy chứng nhận uy tín nhà thầu.
Cận ngày không còn ý nghĩa
Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng, việc đánh giá tác động môi trường đồng thời với việc lập dự án gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, tán thành quy định của dự thảo Luật là cho phép nộp báo cáo tác động môi trường trước ngày khởi công dự án. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, môi trường là vấn đề bức xúc, quy định chặt chẽ như Luật hiện hành nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm, nay lại nới rộng hơn thì sẽ không thể kiểm soát được. Hơn nữa, nếu dự án đã xong các thủ tục khác, mà đến khâu đánh giá tác động môi trường lại không đạt yêu cầu thì sẽ mất nhiều thời gian, công sức của chủ đầu tư.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (đoàn Điện Biên) cho rằng: Báo cáo xây dựng đã được phê duyệt mà mới có báo cáo tác động môi trường thì báo cáo môi trường khi đó không còn giá trị hoặc doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để qua. Nhưng khi đi vào sản xuất, vận hành thì vẫn phải tiếp tục đối mặt với vấn đề môi trường. “Sửa đổi như dự thảo luật sẽ tạo rủi ro và thói quen xấu “làm trước báo cáo sau”. Vì thế, không cần thiết phải sửa đổi qui định phải lập báo cáo tác động đồng thời với báo cáo xây dựng dự án”- đại biểu Nghiêm Vũ Khải nói.
Theo phân tích của các đại biểu, đánh giá tác động môi trường là điều kiện cần để phê duyệt dự án vì nó gắn liền với lựa chọn địa điểm đầu tư; nếu cho phép nộp đánh giá tác động môi trường sau và cho phê duyệt dự án thì sẽ dễ dẫn đến chủ đầu tư tìm mọi cách tác động để được thông qua việc đánh giá tác động môi trường.
Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải thì việc ra đời báo cáo tác động môi trường không phải là quá khó khăn với nhà đầu tư. Bởi lẽ, khi nghiên cứu đầu tư thì nhà đầu tư phải nghiên cứu sẽ sản xuất ra cái gì và thải ra cái gì.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Lê Văn Hưng (đoàn Hưng Yên) cho rằng, qui định như dự thảo luật là phiến diện. Thực tế, nhà đầu tư tìm mọi cách để có dự án và bớt xén các hạng mục về môi trường./.