Sáng 5/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Quốc hội nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật: Luật dân quân tự vệ, Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện.
Tờ trình dự án Luật Viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nêu rõ: dự thảo Luật Viễn thông gồm 6 chương, 66 điều qui định về hoạt động viễn thông bao gồm: đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.
Sẽ thi tuyển, đấu giá
Theo đánh giá tại Tờ trình của Chính phủ, Luật Viễn thông ra đời mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng; Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động viễn thông; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý viễn thông; Áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý tài nguyên viễn thông; Bảo đảm môi trường kinh doanh viễn thông theo hướng cạnh tranh lành mạnh công bằng, minh bạch, công khai; Bảo đảm phổ cập dịch vụ viễn thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao; Bảo đảm việc quy hoạch, xây dựng và phát triển công trình viễn thông bền vững.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu lên một thực trạng là việc phân bổ tài nguyên viễn thông từ trước đến nay vẫn được thực hiện chủ yếu trên cơ sở cấp phép theo nguyên tắc “ai xin trước cấp trước". Việc quản lý tài nguyên viễn thông theo nguyên tắc này không phù hợp với cơ chế thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Cách làm này không phản ánh đúng giá trị nguồn tài nguyên viễn thông, do đó hạn chế việc sử dụng tài nguyên được phân bổ một cách hiệu quả và tiết kiệm, chưa phân bổ đúng cho đối tượng thực sự cần và có năng lực khai thác, sử dụng, đồng thời không minh bạch rõ ràng theo thông lệ quốc tế.
Cần thay đổi nguyên tắc phân bổ tài nguyên viễn thông theo hướng thi tuyển, đấu giá đối với một số nguồn tài nguyên viễn thông quý hiếm, mang tính thương mại cao, khi nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ. Đồng thời, cho phép chuyển nhượng nguồn tài nguyên này cho tổ chức, cá nhân khác nếu có phương án sử dụng hiệu quả cao hơn.
Và sẽ thêm một cơ quan quản lý
Theo Tờ trình của Chính phủ, có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng về đơn vị thuộc Bộ, trong khi có ý kiến đề nghị nên quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan chuyên ngành như trong một số luật mới ban hành gần đây (Luật Điện lực, Luật cạnh tranh). Chính phủ thấy rằng đây là yêu cầu của WTO, quy định trong Bản tham chiếu về viễn thông của WTO mà Việt Nam đã cam kết tuân thủ khi gia nhập, đó là việc hình thành Cơ quan quản lý viễn thông độc lập.
Trong số gần 200 nước thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU thì có 147 nước hình thành Cơ quan chuyên ngành nhằm mục đích quản lý thị trường viễn thông và thực thi pháp luật trong viễn thông một cách công bằng, công khai, minh bạch. Xét điều kiện thực tế của Việt Nam và theo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ đề nghị tiếp tục nêu rõ một số chức năng quan trọng của Cơ quan chuyên ngành quản lý Nhà nước về viễn thông như trong dự án Luật. Đây cũng là tuyên bố của Việt Nam về việc đảm bảo hình thành Cơ quan chuyên môn theo các cam kết của nước ta trong WTO và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật viễn thông. Theo đó, ý kiến của Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đề nghị cần có cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và có điều riêng quy định rõ hơn về vai trò, vị trí và chức năng của cơ quan này để nâng cao tính khả thi của Luật và phù hợp với yêu cầu của WTO về việc thành lập cơ quan chuyên ngành quản lý viễn thông độc lập. Bởi các lý do: hoạt động quản lý viễn thông không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia về viễn thông. Trong nhiều trường hợp cần phải giải quyết các tình huống có tính cấp bách, cho nên cơ quan quản lý phải có vai trò, vị trí pháp lý đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao;hầu hết các nước thành viên Liên minh viễn thông quốc tế ITU đã hình thành Cơ quan quản lý viễn thông độc lập. Việc thành lập cơ quan lý chuyên ngành về viễn thông là phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về việc minh bạch hóa các chính sách quản lý viễn thông.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Khám chữa bệnh./.