Căn bệnh cố hữu
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc thực hiện xây dựng luật, pháp lệnh các tháng đầu năm 2009, còn nhiều hạn chế. Bà Thúy kể ra hai hạn chế lớn, một là tiến độ trình dự án luật để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra còn chậm. Bà Thúy nói: “Đây là căn bệnh cố hữu trong việc chuẩn bị các dự án luật”. Hai là, chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt cho nên dẫn đến tình trạng rút khỏi chương trình hoặc điều chỉnh thời gian trình, cụ thể là có 5/22 dự án luật, chiếm gần 1/4. Về nguyên nhân của những hạn chế này như Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã liệt kê là nhiều, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân “chủ quan”. Chính vì vậy, bà Thúy đề nghị Quốc hội cần phải xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hơn, bởi vì với tiến độ xây dựng, trình dự án luật như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến chương trình của năm 2009 mà còn ảnh hưởng đến chương trình của cả nhiệm kỳ này.
Không xếp chỗ, mà phải xuất phát từ cuộc sống
ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội) không đồng tình với quan điểm lấy Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa đã được Quốc hội thông qua vào đầu nhiệm kỳ làm căn cứ bắt buộc để lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho hàng năm. Bởi theo đại biểu này cảm nhận “như việc đặt gạch, xếp chỗ trong thời kỳ bao cấp, không có khả năng trình cơ quan có thẩm quyền theo tiến độ”. Ông Hà cho rằng chương trình toàn khóa chỉ là một căn cứ quan trọng, còn căn cứ chính vẫn là xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống. Quốc hội phấn đấu ban hành những văn bản quy phạm pháp luật mà hiện tại cuộc sống thực tế đang đòi hỏi đi đôi với việc quan tâm đến yếu tố chuyển tiếp cho việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Từ đó, ông Sơn tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình chính thức các luật đang đòi hỏi từ cuộc sống là Luật sửa đổi một số điều của Luật đất đai. Đồng thời bổ sung vào chương trình Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo ĐBQH Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc), tình trạng luật khung, luật ống, luật chờ nghị định vẫn còn tương đối phổ biến, tính cụ thể của các dự án luật chưa cao, nhiều điều luật phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tiến độ chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo chậm, ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của các Ủy ban, nhiều dự án luật đến kỳ họp mới gửi được cho đại biểu, làm cho việc nghiên cứu của đại biểu rất hạn chế, việc tổ chức lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu cũng không thực hiện được. Do vậy, công tác xây dựng pháp luật chủ yếu vẫn do các Ban soạn thảo, các Ủy ban thẩm tra và các đại biểu chuyên trách ở Trung ương thực hiện, chất lượng các dự thảo, dự án luật thấp, nhiều dự án luật khi trình Chính phủ chỉ đề nghị chỉnh sửa một vài điều sau đó thì Ủy ban thẩm tra góp ý bổ sung lại phải điều chỉnh đi lại rất nhiều lần và đó cũng chính là nguyên nhân để làm cho việc gửi các dự án luật đến đại biểu chậm, nhiều dự án luật mà Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hội có liên quan.
Đặc biệt, trong Báo cáo quá trình chuẩn bị thì rất ít, dự án luật có các đề tài khoa học nghiên cứu cho các dự án luật này. Quá trình nghiên cứu kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn kết quả cũng hạn chế, nghiên cứu các Bộ luật, việc nghiên cứu luật pháp của các nước, việc tổng hợp số liệu phân tích rút ra từ thực tế, việc dự báo tình hình và định hướng cho dự án luật cụ thể thì chất lượng chưa cao.
Đại biểu này nói: “Nhiều dự án luật kể cả đại biểu khi bấm nút thì vẫn có cảm giác chưa thỏa mãn”. Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Toàn đề nghị, cần hạn chế ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án luật mà nên ban hành luật sửa đổi, ban hành một dự án luật về một nội dung nào đó sửa đổi để quá trình sửa đổi toàn diện hơn, nghiên cứu dài hơi hơn và đề cập nhiều vấn đề hơn. Nếu chúng ta sửa đổi một số điều như làm tạm thì hiệu quả, chất lượng của luật không cao.
Ông Toàn cũng cho rằng, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của Ban soạn thảo trong việc chuẩn bị các dự án luật, đặc biệt là việc lấy ý kiến của các nhà khoa học và các chuyên gia. Tăng cường hơn việc lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng dự án luật, mới có thể giải quyết được những vấn đề đang bức xúc của cuộc sống.
Cần xác định ưu tiên và kiên trì định hướng lớn
ĐBQH Danh Út (Kiên Giang) lại thấy việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội về xây dựng pháp luật còn nhiều tồn tại, bất cập cần được quan tâm và khắc phục. Đó là việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội chưa nghiêm thường bị thay đổi, điều chỉnh, hôm nay xin trình, mai xin rút, tái diễn tình trạng luật ra, luật vào, việc bảo đảm thực hiện luật của các kỳ họp. Đại biểu Danh Út đề nghị: “Quốc hội cần dứt khoát hơn nữa đối với các cơ quan trình dự án luật. Khi đã đưa vào chương trình thì phải nghiêm túc thực hiện, nếu không chương trình cứ phá vỡ liên tục là không nên”.
Một tồn tại diễn ra là luật đưa vào nội dung kỳ họp một số nơi chuẩn bị chưa tốt, có phần gấp gáp, phải đình lại như 3 luật quản lý thuế. Dự thảo luật trình ra kỳ họp Quốc hội gửi cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội không bảo đảm thời gian. Như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đến 8 giờ tối ngày 27-5 mới gửi tới đại biểu Quốc hội và buổi sáng 28-5 Chính phủ lại trình, khi luật này liên quan đến nhiều luật khác và hết sức quan trọng. Ông Út đánh giá: “Cách làm trên chưa phát huy trí tuệ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội rất bị động trong đóng góp luật”.
Trước thực trạng trên, ông Út đề nghị, Một, dự án luật khi đã được Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình thì phải trình Quốc hội, cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội đúng thời gian, nếu không làm được thì phải được báo cáo Quốc hội lý do, nguyên nhân cụ thể.
Hai, việc ban hành luật phải chấp hành nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xem đây là nguyên tắc, nhất là thời gian gửi dự án luật cho đại biểu Quốc hội. Nếu gửi chậm thì luật không có điều kiện lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội thực thi quyền của mình từ chối đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội. Tôi đề nghị cơ quan trình dự thảo luật thực hiện đúng Khoản 3, Điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn, cần bảo đảm thực hiện đúng trình tự thủ tục không được cắt xén các bước thực hiện, bảo đảm thời gian để thẩm tra và thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu góp ý kiến.Thứ ba, Quốc hội cần phải có cơ chế cụ thể với những cơ quan trình dự án luật không bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định.
Đồng tình, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị bên Chính phủ thực hiện bằng được chương trình đã đề ra. Đồng thời, chuyển dự thảo luật sang Quốc hội sớm để còn kịp thẩm tra và gửi đến các đại biểu trước 20 ngày như Nội quy kỳ họp đã quy định, nếu không thì không thể nào kịp được. Đặc biệt bên Chính phủ nên thống nhất phân công trách nhiệm giữa các Bộ trong các luật trước khi chuyển sang các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Bởi vì nhiều khi có những luật nó liên quan đến hai, ba cơ quan bên Chính phủ thì các cơ quan không thống nhất được với nhau về phân công, cho nên lại chuyển việc ấy sang để cho Quốc hội phán xét thì thực sự ra điều đó không đúng. Ông Thuyết nói: “Chúng tôi đề nghị bên Chính phủ thống nhất trước về phân công trách nhiệm, sau đó chuyển sang Quốc hội và Quốc hội chỉ bàn những chuyện gì thực sự lớn, thực sự có nghĩa hơn việc phân công có tính chất là nội bộ của Chính phủ”.
Đừng để đại biểu Quốc hội chỉ biết bấm nút
ĐBQH Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) thêm, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008 có 11 luật và năm 2009 có 8 dự án luật không thực hiện đúng chương trình, “như vậy không nghiêm túc, chúng ta đừng để đại biểu Quốc hội chỉ được biết là bấm nút”. Đại biểu này cũng yêu cầu, việc thẩm tra các dự án luật cần kỹ hơn, cụ thể hơn, vì cho rằng: “có lúc các Ủy ban thẩm tra bị bội thực về luật, có nhiều lúc, có nhiều luật dồn về cho một số Ủy ban chúng ta cho nên nhiều quá, từ đó rồi thẩm tra, thẩm định, đánh giá, nhận xét và giúp cho đại biểu Quốc hội để thấy nhìn sâu, kỹ và cũng có thời gian thì vấn đề này còn bị hạn chế”.
ĐBQH Võ Văn Đủ (Đác Nông) nhất trí về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc phối hợp giữa các ban, ngành trong vấn đề xây dựng luật, pháp lệnh làm chưa tốt, chưa chặt chẽ và có tính hình thức. Ông Đủ cho rằng, đây là một vấn đề chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Bởi vì cơ quan xây dựng được giao việc soạn thảo thì là cơ quan phải biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cử tri, của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của các ngành chức năng. Nếu chúng ta không tiếp thu đầy đủ những ý kiến này thì lẽ tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của luật pháp và tiến độ xây dựng luật pháp. Đại biểu này cũng nêu hạn chế về việc nghiên cứu đưa vào chương trình một số dự thảo luật mang tính chất dàn trải, thiếu tính thống nhất. Do đó ảnh hưởng đến thời gian của các đại biểu, tức là nó cũng tốn kém về tiền bạc, cần rút kinh nghiệm.
Nên tránh tư tưởng dễ làm trước, khó làm sau
ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ phần lớn chương trình xây dựng luật và pháp luật năm 2010, nhưng chỉ rõ nguyên nhân Quốc hội vẫn chưa đạt yêu cầu về vấn đề làm luật là thiếu một định hướng lớn, phải kiên trì tính ưu tiên và tính đồng bộ trong vấn đề ban hành luật và sửa luật. Dường như theo ông Lịch, đây là nguyên nhân mà chúng ta không thể có được ở một số chương trình. Ông Lịch giải thích, nếu xét về cả nhân tài vật lực mà đầu tư làm luật đó là một nguồn lực hữu hạn, vậy thì Quốc hội làm luật nào, hoàn thiện cái gì mà nó mang lại tác động lớn nhất chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu vào chương trình. Ông nói: “Nên tránh tư tưởng dễ làm trước, khó làm sau. Nếu khó nhưng thực sự cần và không thể không có, cần tập trung tất cả nguồn lực để làm chứ không phải tùy thuộc Ban soạn thảo, cơ quan giao ý kiến khó quá thì để lại, thì chính chỗ này làm chúng ta phá vỡ những quan điểm ban đầu”.