(VOV) - Đây là đối tượng đặc biệt cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội.
|
Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi |
Chiều 1/6, các đại biểu Quốc hội khoá XII thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Người cao tuổi (NCT). Theo đó, những vấn đề chính của dự thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội gồm: Phạm vi xác định đối tượng, độ tuổi của NCT; Chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước đối với NCT; Ngân sách chi thường xuyên cho NCT.
Người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sống tại Việt Nam vẫn có thể được hỗ trợ
Sau khi thẩm tra dự thảo về Luật NCT do Trung ương Hội NCT Việt Nam đưa ra, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dự thảo xác định NCT là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Như vậy, người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sinh sống tại Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đây là một trong những điểm khác biệt so với Pháp lệnh của NCT.
Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: Khả năng ngân sách và các điều kiện bảo đảm của Nhà nước hiện nay còn hạn chế nên cần xác định ưu tiên thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với NCT là công dân Việt Nam. Việc quy định NCT phải là công dân Việt Nam sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với số lượng NCT sinh sống ở trong nước.
Tuy nhiên, NCT là nguồn lực đóng góp trí tuệ, công sức cho xã hội (trong đó có người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sinh sống tại Việt Nam). Để phát huy lợi thế, đóng góp của NCT nước ngoài đối với đất nước, dự thảo luật nên bổ sung áp dụng một số quy định hỗ trợ đối với người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sinh sống tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự kế thừa của Pháp lệnh NCT.
Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến: Luật NCT có thể không điều chỉnh về phạm vi NCT nhưng Luật có thể thêm điều khoản đối với người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sống tại Việt Nam vẫn có thể được thụ hưởng một số dịch vụ hỗ trợ, trợ giúp tự nguyện của cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp.
Chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 8 triệu NCT. Để phát huy sức mạnh của NCT đối với sự phát triển đất nước, cần quan tâm, tăng cường ngân sách để chăm só, hỗ trợ cho NCT. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thái Hùng (đoàn Thái Bình).
Theo đại biểu Nguyễn Thái Hùng, ngoài 7 nhóm đối tượng NCT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, trong dự thảo Luật cần quy định rõ việc hỗ trợ đối với NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là những trường hợp NCT tuy không bị nhiễm HIV nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi đại dịch HIV như trường hợp ông, bà phải nuôi cháu chưa thành niên do bố, mẹ của cháu chết vì HIV/AIDS. Vì vậy, Luật NCT phải đưa thêm quy định: Đối với các cháu chưa thành niên có bố, mẹ bị chết vì HIV/AIDS thì các cháu phải thuộc nhóm đối tượng bảo trợ của Nhà nước. NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải nuôi cháu chưa thành niên do bố, mẹ của cháu chết vì HIV/AIDS thì được hưởng bảo trợ xã hội.
Còn đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu quan điểm: Những NCT phải nuôi cháu chưa thành niên do bố, mẹ của cháu chết vì HIV/AIDS thì phải được hưởng các quyền và hỗ trợ đặc biệt như: Được phát bảo hiểm y tế, chăm sóc đặc biệt…
Ngoài việc hỗ trợ, chăm sóc NCT ở những hoàn cảnh đặc biệt, Luật NCT cần chú tâm hơn tới việc phụng dưỡng, chăm sóc NCT ở những vùng, miền đặc biệt khó khăn, người già không nơi nương tựa, bị bệnh, tàn tật…
Để công tác hỗ trợ, chăm sóc NCT đạt hiệu quả, trong dự thảo Luật cần nhấn mạnh tới ngân sách chi thường xuyên cho NCT. Đại biểu Trần Hồng Việt (đoàn Hậu Giang) cho rằng: Không cần thiết phải tổ chức quá nhiều các cơ sở chăm sóc NCT của Nhà nước, song nên khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở chăm sóc NCT có chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc huy động này sẽ góp phần tăng kinh phí hỗ trợ NCT.
Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (đoàn Thái Bình) kiến nghị: Ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ chăm sóc NCT cần được thực hiện theo sự ủng hộ của Nhà nước, đóng góp của UBND các cấp. Ngoài ra, khoản kinh phí cho các hoạt động thăm hỏi, mừng thọ nên thông qua công tác kêu gọi các nhà hảo tâm, tập đoàn kinh tế ủng hộ.
Sáng mai (2/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường./.