Ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

29/05/2009

Sáng 28-5, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (ÐTXDCB) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về dự án Luật này.

Tạo môi trường  thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ bản

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu rõ: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến 2007, thì hệ thống văn bản pháp luật về ÐTXDCB còn một số hạn chế. Trong đó có những vấn đề nổi cộm như: Một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành  chưa  được  ban  hành kịp thời, một số nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; nội dung của một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất. Những vấn đề nêu trên đang là trở ngại cho việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản ở các bộ, ngành và các địa phương, là mối quan tâm và sự bức xúc của nhiều bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư. Ủy ban Thường vụ QH đã kiến nghị Chính phủ tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về XDCB, sửa đổi, bổ sung kịp thời các luật để trình QH xem xét vào kỳ họp thứ năm, QH khóa XII.

Phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này bao gồm các luật: Luật Xây dựng, Luật Ðấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ðất đai và Luật Nhà ở. Dự thảo đề nghị sửa đổi nội dung các khoản liên quan bảy điều và bổ sung một điều của Luật Xây dựng; sửa đổi nội dung liên quan đến 21 điều của Luật Ðấu thầu; sửa đổi một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường; sửa đổi Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Ðiều 48, 52 của Luật Ðất đai... Với các nội dung sửa đổi nêu trên, Dự thảo Luật sửa đổi thể hiện được nội dung Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12-11-2007 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, tháo gỡ những ách tắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhất là việc xác lập tính pháp lý cho người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm tình trạng khiếu kiện kéo dài như hiện nay...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật nói trên, cho biết: Tại kỳ họp thứ tư, QH đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 - 2007". Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cũng như Báo cáo của Chính phủ đã thống nhất nhận định những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong ÐTXDCB, trong đó có nguyên nhân là hệ thống văn bản còn vướng mắc, thủ tục quy định còn phiền hà, nội dung của một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp thực tế hoặc không thống nhất. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến ÐTXDCB và trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý về điện ảnh

Các đại biểu QH đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện ảnh. Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, tập trung  vào các nhóm vấn đề về quản lý nội dung đối với phim phát sóng trên truyền hình; về tiêu chuẩn Giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim; về vấn đề liên doanh, liên kết trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim; về sản xuất phim đặt hàng sử dụng ngân sách Nhà nước; về những điều kiện  nhập khẩu phim. Ða số các vị đại biểu QH  thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về sự cần thiết và những quan điểm, nội dung trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện ảnh và thống nhất với nội dung đã trình QH. Các đại biểu QH lưu ý điện ảnh là một lĩnh vực tư tưởng, văn hóa mang tính đại chúng và có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đời sống tinh thần của nhân dân. Cho nên khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong quản lý điện ảnh cần có những quy định rõ hơn nữa về sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này, bảo đảm định hướng tư tưởng, giữ gìn đạo đức, thuần phong, mỹ tục và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ðồng thời, đây cũng là lĩnh vực  đóng góp  vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Do vậy, đề nghị trong tiếp thu, giải trình việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ðiện ảnh, cần bảo đảm định hướng đó.

Chung quanh vấn đề quản lý nhà nước về phim chiếu trên truyền hình, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) đề nghị, để quản lý có hiệu quả hơn nữa việc phát lên sóng phim trên các đài truyền hình, cần quản lý tốt nội dung phim được phát sóng. Và để thống nhất quản lý hoạt động điện ảnh trên cả nước, nên quy định rõ trách nhiệm, cơ cấu của Hội đồng thẩm định phim và xây dựng tiêu chí đánh giá phim cho rõ ràng, cụ thể... Theo đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), việc giao trách nhiệm cho Tổng giám đốc, Giám đốc các đài truyền hình địa phương chịu trách nhiệm về nội dung phim chiếu trên truyền hình như quy định tại Khoản c Ðiều 38 và Ðiều 39 của dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm trong việc  bảo đảm tỷ lệ chiếu phim Việt Nam và cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Hội đồng thẩm định phim, nhất là các kênh phim nước ngoài có thuyết minh phim bằng tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt. Ðại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quan tâm đầy đủ hơn đối với phim phát sóng trên đài truyền hình. Lượng phim phát sóng trên đài truyền hình rất lớn, có kênh phát sóng mười giờ phim một ngày đêm, có kênh phát từ 6 đến 7 phim một ngày đêm. Do vậy, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu đài truyền hình khi phát phim trên sóng của đài và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố. 

Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Ở các tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, nhận thấy, hầu hết các ý kiến phát biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH. Ðồng thời góp ý kiến vào một số vấn đề cụ thể. Một số đại biểu cho rằng, đặc thù di sản văn hóa của nước ta hiện nay là di sản làng xã, di sản cấp quốc gia ít. Phần lớn di sản nguyên bản sử dụng các vật liệu có kết cấu không bền vững, nhất là gỗ. Mà gỗ thì khi hạ giải để trùng tu rất dễ bị làm hỏng, nhưng không hạ giải thì không thể sửa chữa được. Tuy nhiên, không phải là không có những nơi làm ẩu, tùy tiện khi tu bổ, bảo quản di sản văn hóa. Ở một số địa phương, khi trùng tu di tích không chỉ phá hỏng giá trị cũ mà còn "đắp da đắp thịt" một cách tùy tiện, cơ quan chức năng thì trả lời không kiểm soát được, có những chồng chéo về chức năng của các cơ quan quản lý. Ðể khắc phục điều này, cần có sự đồng thuận. Ðội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa phải có tầm nhìn xa và phải làm đúng luật để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Một số đại biểu đề nghị sớm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vì công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa là một chuyên ngành mang tính đặc thù cao, liên ngành. Nếu các đơn vị thẩm định, thi công  tu bổ, phục hồi các di sản văn hóa mà thiếu trình độ, chuyên môn sâu về lĩnh vực này, thì sẽ làm mất đi giá trị gốc của di sản văn hóa. Một số đại biểu nêu thực trạng nhiều vụ xâm hại di sản văn hóa, nhưng chỉ bị xử lý hành chính, ít khi bị xử lý hình sự. Do đó, đề nghị luật có một số điều, khoản quy định chế tài xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi xâm hại di sản văn hóa. Một số đại biểu đề nghị phân loại bảo tàng quốc gia, bảo tàng địa phương, bộ, ngành, đoàn thể, tránh tình trạng lãng phí trong quá trình xây dựng bảo tàng của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, vì quá tốn kém, nhưng phát huy hiệu quả không được bao nhiêu. Hòa thượng Thích Thanh Tứ, đại biểu QH TP Hà Nội cho biết, hiện một số chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, xảy ra tình trạng nhiều hộ dân ở trong  khu vực chùa sinh sống nhiều năm nay, do  thời kỳ chiến tranh trước đây, gia đình họ sơ tán đến ở chùa hoặc do bị thiên tai, đến ở nhờ nhà chùa, nhưng nay không chịu di chuyển, làm ảnh hưởng di sản văn hóa. Ðề nghị các cấp chính quyền phối hợp Hội Phật giáo các cấp và các nhà chùa sớm xem xét, giải quyết.

 

VĂN CHÚC và LÊ HOÀNG

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác