Sáng 28/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm các Luật: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Sẽ có một mẫu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất
Báo cáo thẩm tra của dự thảo Luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày cho thấy, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật nhà ở vì xuất phát từ thực tiễn còn tồn tại 2 loại giấy: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) và do hai đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư, trong khi nhà và đất cũng như các tài sản trên đất đều luôn luôn gắn chặt chẽ với nhau. Việc thống nhất 2 loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri và đã được thảo luận ở nhiều phiên họp của Quốc hội.
Về tên gọi của giấy chứng nhận: Dự thảo Luật quy định tên gọi của giấy là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ủy ban Kinh tế đề nghị lấy tên của giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật đất đai và Luật nhà ở, đồng thời, phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 07/2007/QH12 về vấn đề này.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không bắt buộc, chỉ cấp khi chủ sở hữu có yêu cầu và khi cấp thì cần phải thống nhất trong một loại giấy như đã ghi trong Nghị quyết của Quốc hội. Việc giao cơ quan đầu mối, ở Trung ương, theo quy định của Luật đất đai và Luật nhà ở hiện hành thì Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Xây dựng là 2 cơ quan đầu mối. Nay dự thảo Luật chỉ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước. Ở địa phương, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dự thảo Luật vẫn quy định như 2 Luật hiện hành, đó là giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện.
Đối với cơ quan chuyên môn giúp việc làm đầu mối nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục, Luật nhà ở hiện hành giao cơ quan quản lý nhà ở thuộc Uỷ ban nhân dân; Luật đất đai giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cơ quan quản lý đất đai. Ngoài ra, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh còn được Uỷ ban nhân dân cùng cấp uỷ quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay dự thảo Luật quy định giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc cơ quan quản lý đất đai ở địa phương) là cơ quan đầu mối.
Tiến tới đấu thầu rộng rãi
Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu thầu, ông Hà Văn Hiền cho biết, đa số các ý kiến của các đại biểu Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Hiện nay, công tác đấu thầu rất phức tạp và nhiều trường hợp tiêu cực làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Qua giám sát cho thấy, có trường hợp do phải đấu thầu nên dự án chậm được triển khai và tổng mức đầu tư vượt hàng trăm triệu USD. Đặc biệt trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn chỉ định thầu là cần thiết. Vì vậy, Uỷ ban tán thành với quy định của Dự thảo Luật. Tuy nhiên cần quy định chặt chẽ mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu, tránh lạm dụng.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật phù hợp là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, khi đã hướng dẫn được phương pháp lập và quản lý chi phí thì hoàn toàn có thể tính toán và công bố được các định mức phù hợp.
Hiện nay, các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn Nhà nước và cơ quan quản lý vẫn phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật và các quy định có liên quan của Nhà nước để lập và thẩm tra dự toán, thiết kế. Vì đó cũng là căn cứ của công tác thanh tra, kiểm toán. Luật phòng, chống tham nhũng cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng, ban hành và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; người có hành vi vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc đánh giá năng lực, uy tín của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp cũng còn là vấn đề đặt ra. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị trước mắt chưa nên giao các tổ chức này công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật để chủ đầu tư tham khảo làm căn cứ xác định chi phí đầu tư.
Chiều 28/5, Quốc hội làm việc ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá./.