Sáng 25.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày cũng thống nhất chủ trương là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội danh cụ thể. UBTVQH đề nghị giữ hình phạt tử hình tại 9 điều trong số 17 điều mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư. Cụ thể, UBTVQH đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với các tội danh: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ; Tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người và tội phạm chiến tranh. Dự thảo Luật đã bổ sung về tội khủng bố, trong đó có quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài những sửa đổi, bổ sung trên, dự thảo Luật cũng được sửa đổi, bổ sung về các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, môi trường, quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều tội danh khác: Tội buôn bán người; Tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội trốn thuế, gian lận thuế; Tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền có liên quan và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng…
Theo ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn), ĐB Hà Công Long (Gia Lai), Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa): tội làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng vì nó trực tiếp phá hoại nền kinh tế của đất nước, xâm phạm đến an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế. Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm thời gian qua cho thấy tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng, có nguy cơ cao, làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý tiền tệ, đang là những vấn đề xã hội quan tâm. Nếu so sánh với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh- là tội vẫn giữ hình phạt tử hình, thì tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm này có khi còn nguy hiểm hơn, nghiêm trọng không kém. Các ĐB đề nghị tội danh này nên được áp dụng ở mức cao nhất, đó là án tử hình.
Về tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An), ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: nên giữ nguyên như quan niệm hiện nay của Bộ luật Hình sự. Theo ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nếu giảm ngay mức hình phạt đối với tội vận chuyển, tàng trữ thì cũng không hợp lý, bởi sẽ tạo một kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng.
Một nội dung được các ĐBQH quan tâm, đó là việc bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy. Việc bỏ tội danh này sẽ phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Dưới góc độ xã hội thì người nghiện ma túy được coi là nạn nhân của một tệ nạn. Nhưng việc không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm không có nghĩa là dung túng đối với hành vi này, mà cần tìm ra biện pháp xử lý hiệu quả hơn. ĐB Lý Kim Khánh (Cà Mau), ĐB Võ Minh Phương (Lâm Đồng) nhận định, nên coi người sử dụng và nghiện chất ma túy như bệnh nhân và cần thiết phải được chữa trị, cai nghiện. ĐB Trần Thị Hằng (Nam Định) lại không đồng thuận với quan niệm trên khi cho rằng việc bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy không phù hợp với tình hình hiện nay khi tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy vẫn đang gia tăng ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội và tình hình an ninh trật tự, dẫn đến nhiễm HIV/AIDS ảnh hưởng đến hủy hoại kinh tế, hủy hoại giống nòi. Nếu bỏ tội danh này sẽ có tác hại khó có thể lường, việc sử dụng ma túy sẽ gia tăng tràn lan tại nơi công cộng, sẽ có tác động xấu trong xã hội, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tham gia hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Vì sẽ không bảo đảm sự khách quan, độc lập của hoạt động giám định, nhất là trong lúc cơ quan này đang quá tải trong việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Việc giám định về sở hữu trí tuệ phải được coi là một dịch vụ, cần nghiên cứu để xã hội hóa hoạt động này. Trước mắt, dự án Luật nên quy định những điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực, trình độ chuyên môn… để tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần quy định chỉ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong nước được thực hiện giám định sở hữu trí tuệ và kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, dịch vụ khoa học và công nghệ trong nước hiện đã đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ này. Quy định như thế sẽ không trái với nguyên tắc kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu trí tuệ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Các ĐBQH cơ bản tán thành với quy định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả của dự thảo Luật. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, không nên quy định mức phạt hành chính với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, lại vừa được tính theo giá trị hàng hóa vi phạm. Cần áp dụng mức phạt tiền ít nhất bằng giá trị hàng hóa vi phạm đã được phát hiện và nhiều nhất không vượt quá 5 lần giá trị hàng hóa. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi), Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, QH giao Chính phủ quy định cụ thể cách xác định giá trị hàng hóa vi phạm và việc áp dụng mức phạt theo giá trị hàng hóa.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chủ yếu bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến xuất bản, phát thanh, phát hình... Hiện các vi phạm về xuất bản, phát thanh, phát hình, công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ cao trong các vi phạm về sở hữu trí tuệ trong nước và trên thế giới. |