Quốc hội sẽ dành cho nội dung này 1 ngày rưỡi. Khoảng thời gian vật chất khá ít ỏi so với bộn bề những vấn đề quốc kế dân sinh trong bối cảnh “không bình thường” của kinh tế đòi hỏi các ĐBQH sẽ phải cân nhắc, lựa chọn nên “nói” cái gì và “nói” như thế nào ở diễn đàn của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao...
Thực tế, ngoài Phiên thảo luận Tổ thì hầu như với các ĐBQH, nhất là đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu ở địa phương, Phiên thảo luận tại Hội trường là nơi để bày tỏ chính kiến về những vấn đề KT-XH, ngân sách mà đại biểu đã nghe, đã thấy, đã cảm nhận và day dứt trong suốt khoảng thời gian giữa hai Kỳ họp. Vậy nên, dù Phiên thảo luận về tình hình KT-XH, ngân sách tại các Kỳ họp gần đây đã có nhiều đổi mới như thảo luận theo nhóm vấn đề, ưu tiên cho các ĐBQH phát biểu theo vùng miền... thì tình trạng phát biểu dàn trải, chung chung, cảm tính, báo cáo thành tích hoặc kêu khó cho địa phương - không đúng với bản chất thảo luận tại diễn đàn của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao - vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. Một đại biểu chuyên trách ở Trung ương phàn nàn rằng, chính điều này đã khiến cho việc thảo luận ở Hội trường bị loãng, những vấn đề cấp bách của nền kinh tế đã không kịp thời được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để đi đến thống nhất. Đã nhiều Kỳ họp nay, những vấn đề về quy hoạch treo; Giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản thấp; Chỉ số Icor quá cao; Bệnh viện quá tải, chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế rất kém; Doanh nghiệp nhà nước đầu tư không hiệu quả; Chất lượng cuộc sống của người dân chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế; Mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng; Cây cầu này, con mương kia ở địa phương A, địa phương B xây dựng đã lâu mà chưa hoàn thành... - liên tục được nhắc đến trong các Phiên thảo luận về KT-XH và ngân sách của QH. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, những vấn đề này chưa có sự chuyển biến rõ rệt trên thực tế. Phó chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Cao Ngọc Xuyên cho rằng những vấn đề mà các ĐBQH nêu ra đều đúng không cãi vào đâu được nhưng trong khuôn khổ của một Kỳ họp, với thời lượng có hạn dành cho các vấn đề KT-XH và ngân sách, QH khó có thể giải quyết được tất cả. ĐB Cao Ngọc Xuyên đề nghị, mỗi Kỳ họp, QH chỉ nên chọn một số vấn đề nóng nhất của nền kinh tế tại thời điểm đó, đi đến cùng và giải quyết triệt để thì mới có thể có hiệu quả trên thực tế. Ví dụ như tại Kỳ họp thứ Năm này, những vấn đề mà các ĐBQH cần tập trung giải quyết ngay có thể là: Việt Nam đang đứng ở đâu trong chuỗi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu? Các gói giải pháp kích cầu gần 8 tỷ USD sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời hạn bao lâu, có đúng đối tượng không, có tràn lan không, có bao cấp một cách vô lý không và có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy lạm phát, suy giảm, phục hồi, lạm phát không? Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã được thực hiện ra sao và có thể có những kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu suy thoái? Theo nhiều Ủy viên UB Kinh tế và UB Tài chính và Ngân sách đây là những vấn đề cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam và nếu giải quyết được thấu đáo những vấn đề này để xác định con đường đi đúng đắn cho nền kinh tế nước ta trong thời gian tới đã là một thành công lớn, một dấu ấn của Kỳ họp thứ Năm.
Tất nhiên, các ĐBQH có lý do chính đáng (và có thể, cả những lý do tế nhị nữa) khi quyết định “nói cái gì” ở QH. Không có bất cứ vấn đề nào, dù rất nhỏ liên quan đến đời sống dân sinh lại bị bỏ qua tại diễn đàn của cơ quan đại diện cao nhất của người dân cả nước. Nhưng có lẽ cũng nên khẳng định lại rằng ĐBQH không chỉ là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi mình ứng cử mà hơn hết là những nghị sỹ quốc gia, đại diện cho nhân dân cả nước giải quyết các vấn đề ở tầm quốc gia. Ở những thời điểm nhất định, lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần phải được giải quyết tại Phiên họp toàn thể của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao là đòi hỏi, là mệnh lệnh của cuộc sống đối với mỗi ĐBQH.
Tất nhiên, không ai duy ý chí đến mức đòi hỏi tất cả các ĐBQH đều chọn đúng, trúng những vấn đề cấp thiết phải giải quyết ngay tại mỗi Kỳ họp của QH. Nhưng chọn đúng, trúng vấn đề để thảo luận tại QH là đòi hỏi, là mệnh lệnh của cuộc sống! ĐBQH không bị bơ vơ với những lo ngại của mình vì đằng sau ĐBQH còn có các Ủy ban chuyên môn của QH, các cơ quan nghiên cứu độc lập của QH, UBTVQH. Vấn đề là, ĐBQH có muốn và có chủ động tham vấn, yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan này hay không mà thôi...