Sáng nay (25/5), Quốc hội làm việc tại hội trường. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị bỏ hình phạt tử hình tại 8/17 điều và giữ lại hình phạt tử hình tại 9/17 điều của BLHS hiện hành. Hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, dã man, tàn bạo, nhất thiết phải loại trừ người phạm tội khỏi đời sống cộng đồng, nhằm thể chế chính sách hình sự đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng, phù hợp với xu hướng tiến bộ, thể hiện bản chất nhân đạo của nhà nước ta.
Mặt khác, điều này còn để phù hợp với Nghị quyết 49/NQTW ngày 02/5/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Mua bán, tàng trữ ma tuý ngày càng tinh vi
Đa số đại biểu Quốc hội đề nghị giữ lại Điều 194 như quy định hiện hành vì hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy luôn có sự gắn kết hữu cơ với nhau tạo thành chuỗi hành vi liên tục, hành vi này thường là tiền đề cho hành vi kia và ngược lại. Ngoài ra, khách thể của hành vi này đều giống nhau, hậu quả đối với xã hội giống nhau, ngoài ra nhiều trường hợp không thể tách rời ba hành vi tàng trữ, mua bán và vận chuyển vì người phạm tội thực hiện đồng thời cả 3 hành vi. Việc vận chuyển, tàng trữ cũng là một khâu của việc mua bán trái phép chất ma túy, và các hành vi này đều mang tính chất nguy hiểm như nhau.
Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cho rằng: “Tội phạm ma túy chưa giảm mà diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn nên việc thay đổi chính sách trong thời điểm hiện nay cần cân nhắc là đã phù hợp hay chưa. Vì vậy để đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên giữ hình phạt tử hình nhằm răn đe. Nếu tách thành 2 loại tội danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra”.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về việc tách Điều 194 thành hai điều 194, 194a và bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý quy định tại Điều 194a của dự thảo Luật.
Nghiêng về phương án này, đại biểu Hà Công Long (đoàn Gia Lai) cho rằng: “Hành vi mua bán có mức độ nguy hiểm hơn là hành vi tàng trữ, vì những người tàng trữ ma tuý chủ yếu là con nghiện và những người nghèo khổ vì mưu sinh hoặc bị ép buộc. Nên việc bỏ án tử hình với loại tội phạm này rất phù hợp”.
Một số ý kiến khác không tán thành với việc tách Điều 194 như dự thảo Luật và cho rằng vẫn cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình nhằm răn đe và trừng trị tội phạm, nhất là những trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy có số lượng đặc biệt lớn.
Đại biểu Đình Nghĩa đồng ý với phương án giữ nguyên Điều 194, bởi lẽ : “Đây là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm đe doạ tính mạng, an ninh trật tự xã hội. Thời gian qua, cơ quan công an đã khám phá ra nhiều vụ án buôn bán ma tuý xuyên quốc gia. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển có liên quan chặt chẽ với nhau, không thể bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm ma tuý”.
Một số ý kiến đề nghị chỉ nên bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, còn Tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thì vẫn cần giữ lại mức tử hình.
Về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197) theo một số đại biểu thì nên giữ lại hình phạt tử hình vì ma túy có tác hại rất lớn đối với xã hội. Đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Nam Định) nói: “Tác hại của việc sử dụng ma tuý rất khó lường trước. Nếu không đưa hành vi này trong Luật hình sự thì việc sử dụng ma tuý sẽ rất tràn lan, khó kiểm soát”.
Một số ý kiến khác cho rằng, công tác cai nghiện ở nước ta còn nhiều hạn chế, tỉ lệ cai nghiện thành công thấp, nếu bỏ tội danh này dẫn đến việc sử dụng ma túy tràn lan, không đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, hoặc việc sử dụng trái phép chất ma túy có liên quan mật thiết với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vì đây là quan hệ cung - cầu.
Tội phạm hiếp dâm chưa có dấu hiệu giảm
Theo ý kiến chủ đạo của các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc sáng nay là đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm để bảo đảm công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn. Hành vi hiếp dâm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, xét về mức đội nguy hiểm của hành vi có nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm cho nạn nhân chết hoặc tự sát. Vì thế nhiều trường hợp không thể truy cứu về tội giết người hoặc tội bức tử được mà cần quy định là tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm làm cơ sở cho việc định khung hình phạt tử hình là phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, thực tế hiện nay số lượng các cháu gái vị thành niên bị hiếp dâm ngày càng nhiều. Nhiều đối tượng biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội. Nếu để hình phạt chung thân thì chưa đủ tính răn đe. Pháp luật hình sự như vậy chưa đủ mạnh để bảo vệ các nạn nhân, đặc biệt là các bé gái”.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng: Không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm vì đây là tội phạm nghiêm trọng không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe… mà còn gây đau khổ dai đẳng đối với nạn nhân. Nên giữ hình phạt tử hình nếu không sẽ gây bất lợi đối với việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe”.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác tán thành việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm vì cho rằng mặc dù là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng so với các tội phạm khác thì mức độ nguy hiểm của hành vi còn hạn chế và hẹp hơn, vì thế việc quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân là phù hợp.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số tội danh khác như: buôn bán người, giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lưu hành tiền giả, công trái giả…
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp khoảng cách của khung hình phạt trong một số điều luật có khung hình phạt quá dài và cho rằng nếu khung hình phạt quá dài như hiện nay sẽ khó phân loại tội phạm, gây khó khăn cho việc quyết định hình phạt và dễ bị lợi dụng./.