Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Lý lịch tư pháp và Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.

25/05/2009

Sáng 23-5, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lý lịch tư pháp, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.

Nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP). LLTP có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu riêng về LLTP và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này. Việc ban hành Luật LLTP sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/T.Ư ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị...

Trong bản Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật LLTP của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày, được biết phần lớn ý kiến đại biểu QH tán thành với dự thảo Luật quy định giao cho Bộ Tư pháp quản lý cơ sở dữ liệu LLTP; một số ý kiến đề nghị giao cho TA NDTC hoặc Bộ Công an để bảo đảm sự thuận tiện và tận dụng được cơ sở kỹ thuật, bộ máy hiện có. Về mô hình xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, phần lớn ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định thành lập Trung tâm LLTP quốc gia và đề nghị không thành lập các Trung tâm LLTP cấp tỉnh; nhiệm vụ cập nhật thông tin, cấp phiếu LLTP tại địa phương nên giao cho các Sở Tư pháp thực hiện. Có ý kiến đề nghị thành lập các Trung tâm LLTP ở ba khu vực (bắc, trung, nam) hoặc tại các thành phố lớn để quản lý cơ sở dữ liệu LLTP; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Phòng tư pháp trong việc tiếp nhận, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, cấp phiếu LLTP và quy định UBND cấp huyện có thẩm quyền quản lý nhà nước về LLTP tại địa phương...

Chung quanh vấn đề nói trên, đại biểu Võ Văn Ðủ (Ðác Nông) tán thành với việc thành lập Trung tâm LLTP nhưng đề nghị giao Bộ Công an quản lý để bảo đảm an ninh quốc gia. Trong khi đó, không tán thành lập luận này, đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) cho rằng, bản án, quyết định đều do Tòa án ban hành, vậy nên giao cho Tòa án quản lý cơ sở dữ liệu là hợp lý, tránh lãng phí.

Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc giao cho cơ quan nào quản lý cơ sở dữ liệu LLTP thì phải có tổ chức bộ máy và xây dựng từ đầu, đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý và trao đổi thông tin về án tích và tình trạng thi hành án. Ðây là lĩnh vực hành chính tư pháp đang do Chính phủ quản lý để phục vụ yêu cầu cấp phiếu LLTP không chỉ của những người có án tích mà cho tất cả các công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam. Với chức năng, nhiệm vụ của ngành tòa án, việc không giao cho TAND Tối cao quản lý cơ sở dữ liệu và cấp phiếu LLTP để Tòa án tập trung làm tốt chức năng xét xử là phù hợp.

Về quy định thời hạn giải quyết yêu cầu cấp phiếu LLTP theo yêu cầu của cá nhân, các đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng), Lê Minh Hồng (Hà Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định trong trường hợp bình thường là 15 ngày là quá dài, không phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân... Các đại biểu đề nghị quy định rõ thời hạn sẽ tránh cho công dân phải đi lại xin cấp nhiều lần, lãng phí không cần thiết.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, QH khóa XII, Ủy ban Thường vụ QH thời gian qua đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu QH để chỉnh lý toàn diện dự thảo Luật LLTP. Quá trình rà soát, đã chỉnh lý 45 điều; bỏ bốn điều để chuyển nội dung vào các điều luật khác; bổ sung tám điều; giữ nguyên nội dung bốn điều. Dự thảo Luật LLTP được chỉnh lý trình QH có sáu chương, 57 điều.

Buổi chiều, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH thảo luận dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Son trình bày  Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH về dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Luật Cơ quan đại diện), cho biết: Tại kỳ họp thứ 4 (11-2008), QH đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật này. Phần lớn ý kiến của các vị đại biểu QH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Cơ quan đại diện và góp nhiều ý kiến vào các điều của dự án Luật. Sau kỳ họp, UBTVQH chỉ đạo Ủy ban Ðối ngoại tiến hành xin ý kiến của các Ðoàn đại biểu QH, tổ chức một số cuộc làm việc với các bộ, ngành hữu quan. Tại các phiên họp thứ 16 và 19, UBTVQH cũng đã xem xét cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật này.

Về tên gọi của dự thảo Luật, Báo cáo cho biết: Ða số ý kiến của đại biểu QH và Ðoàn đại biểu QH nhất trí với tên gọi của dự án Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Ðồng thời, nhằm mục đích điều chỉnh hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và để nhất quán với cách sử dụng cụm từ "ở" trong các văn bản đã ban hành, UBTVQH đề nghị được giữ nguyên tên gọi của Luật là "Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài". Về bố cục của dự thảo Luật, số đông ý kiến nhất trí với việc bố cục lại dự thảo. Ðồng thời, nhiều ý kiến góp ý về cách sắp xếp các điều, khoản cho hợp lý hơn để thể hiện rõ các nội dung trong dự án Luật và bảo đảm  mối liên hệ giữa các điều.  Báo cáo cũng nêu một số vấn đề  cụ thể còn ý kiến khác nhau về  tổ chức và biên chế của Cơ quan đại diện, về kinh phí, trụ sở, Quốc kỳ, Quốc huy, biển tên Cơ quan đại diện, về trách nhiệm của thành viên Cơ quan đại diện, về nhiệm kỳ công tác của thành viên Cơ quan đại diện và các nội dung liên quan cán bộ biệt phái.

Thảo luận về dự thảo Luật, các đại biểu: Nghiêm Vũ Khải (Ðiện Biên), Lương Phan Cừ (Ðác Nông), Phan Trung Lý (Nghệ An), Nguyễn Văn Chiền (Hà Giang), Nguyễn Ðức Hiền (Quảng Ngãi), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trần Ðình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu)... cơ bản nhất trí với dự thảo luật đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ðồng thời đóng góp thêm một số vấn đề cụ thể, đề nghị cân nhắc nguyên tắc "tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng" vì có thể gây ra những vướng mắc nhất định trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như quốc phòng, an ninh... cần  bảo đảm vai trò quyết định của người đứng đầu Cơ quan đại diện; bảo đảm xử lý các tình huống đối ngoại quan trọng, khẩn cấp, đáp ứng các yêu cầu của công tác ngoại giao tại các nước và các tổ chức quốc tế. Về vấn đề biên chế của Cơ quan đại diện, một số ý kiến cho rằng, tuy Cơ quan đại diện thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao, nhưng trong Cơ quan đại diện không chỉ có cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao, mà căn cứ yêu cầu công tác còn có sự tham gia của cán bộ, công chức một số bộ, ngành khác. Do đó, vấn đề biên chế cũng cần có sự thống nhất với các bộ, ngành này. Vấn đề cơ cấu tổ chức cụ thể của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật của Chính phủ. Về nhiệm kỳ công tác của thành viên Cơ quan đại diện, các đại biểu cho rằng, để tránh lãng phí và phát huy hiệu quả hoạt động của thành viên Cơ quan đại diện, nên kéo dài hơn nữa nhiệm kỳ của thành viên Cơ quan đại diện, thí dụ có thể kéo dài nhiệm kỳ lên thành năm năm. 

Về các nội dung liên quan đến cán bộ biệt phái, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về nội dung quan hệ giữa người đứng đầu Cơ quan đại diện với lãnh đạo các bộ, ngành, chủ quản có cán bộ biệt phái làm việc ở Cơ quan đại diện; quy định rõ việc phối hợp giữa người đứng đầu Cơ quan đại diện với các bộ, ngành có cán bộ biệt phái theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức...

 

VĂN CHÚC, LÊ HOÀNG

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác