Quản lý lý lịch tư pháp: Còn nhiều ý kiến khác nhau

24/05/2009

Một số ý kiến cho rằng, nên thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp; ý kiến khác khẳng định nên để Bộ Tư pháp hoặc toà án quản lý...

Sáng nay (23/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lý lịch tư pháp; Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lý lịch tư pháp.

Dự án Luật lý lịch tư pháp (Luật LLTP) đã được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII và đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Luật này quy định về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp; tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp, quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật LLTP do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày khẳng định: LLTP có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu riêng về LLTP và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này. Trong khi đó, thông tin về án tích, tình trạng thi hành án và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Luật phá sản được nhiều cơ quan khác nhau quản lý như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự.

Từ năm 1999 đến năm 2008, các Sở Tư pháp đã tiếp nhận yêu cầu và cấp 699.495 phiếu LLTP cho công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam.

Cơ quan nào sẽ quản lý LLTP?

Theo đại biểu Vũ Duy Hoàng (đoàn Thanh Hoá), việc ra bản án, quyết định hình sự, quyết định phá sản... là do Toà án thực hiện. Án tích do cơ quan công an quản lý. Chúng ta lập ra một cơ quan (Trung tâm LLTP) để lấy dữ liệu từ công an và toà án là không hợp lý. Điều này còn làm cồng kềnh thêm bộ máy trong lúc Nhà nước ta đang thực hiện tinh giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính. Nên giao việc quản lý LLTP cho Bộ Tư pháp quản lý.

Đồng tình với quan điểm để Bộ Tư pháp quản lý LLTP, đại biểu Minh Hồng (đoàn Hà Nam) phân tích: Bộ Tư pháp đã và đang làm việc này.

Cơ quan nào cấp LLTP là tốt nhất? Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) thì toà án làm việc này là tối ưu hơn cả. Hiện nay, Viện kiểm sát và Toà án đang quản lý rất tốt TTTP.

Đại biểu Vũ Văn Đủ (đoàn Đắc Nông) bày tỏ sự nhất trí với việc thành lập Trung tâm LLTP quốc gia. Vì điều này sẽ phù hợp với yêu cầu hội nhập, hợp tác quốc tế; đồng thời phục vụ cho hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử). Và như vậy cũng không mất nhiều thời gian để điều tra. Đại biểu cũng cho rằng, khi công dân có yêu cầu cấp giấy LLTP thì giao cho Bộ Công an thực hiện.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người “có thẩm quyền” ở Trung tâm LLTP quốc gia là ai, chức danh là gì. Theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) thì “nên là Giám đốc Trung tâm LLTP”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng bày tỏ sự không nhất trí với Điều 52 trong dự thảo Luật (về việc bổ xung, đính chính, huỷ bỏ bản LLTP). Theo đại biểu, điều này có vẻ như hơi “tuỳ tiện”. Bởi lẽ, nếu cấp sai thì phải xử lý như thế nào chứ không đơn giản là chỉ đính chính, bổ xung, huỷ bỏ là xong. “Cần phải xem xét để có lợi cho người dân” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khẳng định.

Thời gian cấp và hiệu lực của LLTP

Bên cạnh đó, thời gian cấp LLTP cũng được nhiều đại biểu lưu ý. Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng, không nên qui định thời gian quá dài, vì thực tế ở Nghệ An hiện nay Sở Tư pháp đã áp dụng khoảng thời gian làm việc là 12 ngày để công dân có thể nhận được LLTP của mình.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, không nên kéo dài thời gian cấp LLTP. Bởi lẽ, Viện Kiểm sát quản lý hồ sơ của tất cả các loại tội phạm, cán bộ quản lý chỉ cần “bấm nút” trong một ngày là ra các kết quả cần thiết chứ không cần đến 15 ngày như trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) lại cho rằng, qui định thời gian cấp giấy LLTP trong thời gian 15 ngày là không đảm bảo quĩ thời gian. Thực tế, có nhiều trường hợp cần xác minh nhiều nơi, mất 1-2 tháng vẫn chưa xong. Đại biểu Danh Út cũng đề nghị cần qui định rõ thời hạn, giá trị pháp lý của một bản LLTP trong bao lâu. Nếu không qui định thì sẽ rất khó khăn cho các cơ quan, tổ chức khi xác định nhân thân. “Luật nên qui định giấy LLTP có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ như 6 tháng hay 1 năm” - đại biểu Danh Út nói.

Đại biều Trần Việt Hùng (đoàn Hoà Bình) cũng khẳng định: Nên bổ sung thời hạn, hiệu lực của phiếu LLTP để công dân không phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, theo đại biểu Danh Út, dự thảo Luật cũng cần qui định rõ số lượng bản chính của phiếu LLTP/lần yêu cầu/cá nhân.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe và thảo luận về dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài./.

 

Vũ Hạnh – Bích Lan

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác