Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, Quốc hội sẽ thông qua, cho ý kiến đối với 46 dự án luật. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII (dự kiến 5/2010), Quốc hội thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến 10/2010), Quốc hội thông qua 12 dự án luật, cho ý kiến đối với 10 dự án luật.
Về các dự án Pháp lệnh năm 2010, Quốc hội sẽ xem xét về Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh chương trình chính thức nêu trên, trong chương trình chuẩn bị cũng có 12 dự án luật được đề cập.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 gồm 66 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 43 dự án thuộc Chương trình chính thức (35 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh, 3 dự án pháp lệnh Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa thông qua năm 2008 được chuyển sang năm 2009) và 22 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị. Đầu tháng 12-2008, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và ban hành Nghị quyết phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Trong năm tháng qua, nhiều dự án luật, pháp lệnh đã được chuẩn bị, trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Hiện tại, có 2 pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, 01 dự án pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, 6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, 6 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội, 5 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 đã được tiếp thu, chỉnh lý để gửi các vị đại biểu Quốc hội để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc một số dự án luật chưa được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo tiến độ đã dự kiến; việc điều chỉnh tiến độ một số dự án chưa được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính là do việc soạn thảo chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chú trọng tổng kết thực tiễn, chưa chỉ đạo sát sao, quyết liệt và đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án. Một số dự án khi đưa vào Chương trình chưa xem xét một cách toàn diện về nội dung, phạm vi điều chỉnh, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu thực tiễn nên tính khả thi chưa cao, phải rút khỏi Chương trình hoặc phải điều chỉnh thời gian trình. Sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và còn hình thức. Thực tế cho thấy rằng, để hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 thì phải kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, phấn đấu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án.
Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Theo đó, chuyển các dự án: Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi) và Luật bảo hiểm tiền gửi sang Chương trình chuẩn bị năm 2010. Bởi vì, tuy những dự án luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, nhưng trong quá trình chuẩn bị có nhiều nội dung sửa đổi không rõ ràng, thậm chí có dự án chưa định hình được nội dung cơ bản cần điều chỉnh (Luật bảo hiểm tiền gửi). Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, những vấn đề liên quan đến thời hạn sử dụng đất, quy hoạch đất đai, chính sách tài chính về đất đai, hạn điền ... cần được tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng; còn một số vấn đề khác như đền bù, giải phóng mặt bằng ... về cơ bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do đó có thể sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những nghị định có liên quan. Về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), cần có thêm thời gian nghiên cứu nên tổ chức cấp ngân sách như thế nào cho phù hợp. Mặt khác, còn liên quan đến việc tổ chức chính quyền cấp huyện đang được thực hiện thí điểm. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở nhằm mở rộng đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, do vấn đề nhà ở còn liên quan đến quyền sử dụng đất, nên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã quyết định cho sửa Điều 121 của Luật đất đai. Đồng thời, cho sửa một số điều khác có liên quan đến việc thực hiện chủ trương thống nhất cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Ngoài những điều chỉnh trên đây, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, theo đó cần có chính sách khuyến khích về thuế đối với các hoạt động xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp theo chủ trương của Đảng và để thực hiện chính sách an sinh xã hội như nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất bổ sung vào Chương trình kỳ họp này dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật quản lý thuế. Dự án Luật này được xây dựng theo quy trình rút gọn và một luật sửa nhiều luật đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị cũng như triển khai tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, Quốc hội Đề nghị: Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi Chương trình được thông qua, bảo đảm tính ổn định của Chương trình