Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai và Điều 126 của Luật Nhà ở, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) khẳng định: Mọi công dân VN đều có quyền như nhau, người Việt ở nước ngoài (Việt kiều) cũng được mua nhà, không hạn chế số lượng, không nên hạn chế chỉ cho mua một nhà, một căn hộ.
Về nội dung ''Người gốc Việt (có quốc tịch nước ngoài) về đầu tư lâu dài'', phải làm rõ thế nào là đầu tư lâu dài, bao nhiêu năm?- ông Đào rất bức xúc.
Đại biểu Phạm Thị Loan yêu cầu ban soạn thảo cần làm rõ: nhóm những người có chuyên môn kỹ năng đặc biệt, phải làm rõ kỹ năng đặc biệt là kỹ năng gì, kỹ năng ấy tốt hay xấu, cần phải làm rõ. Hơn nữa lại quy định kỹ năng đặc biệt phải về làm việc ở VN. Nếu về VN làm việc rồi thì theo quy định về trên 3 tháng được mua nhà mà chả cần kỹ năng gì nữa. Vì vậy, quy định này phải nghiên cứu thêm. Hơn nữa khi đã quy định họ được quyền mua nhà thì phải cho họ quyền bình đẳng như công dân Việt Nam như quyền được bồi thường khi bị nhà nước thu hồi, quyền được thế chấp vay vốn ngân hàng....Đại biểu Chu Sơn Hà: Không nên hạn chế việc sở hữu số lượng nhà của người Việt ở nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nêu một thực tế kéo dài nhiều năm qua: Trước đây chúng ta không cho người Việt ở nước ngoài mua nhà nhưng thực tế họ vẫn mua, từ đó luôn nảy sinh chuyện tranh chấp giữa người đứng tên hộ với người thực mua. Không nên hạn chế số lượng mua, nếu họ có tham gia mua đi bán lại thì họ phải đóng thuế vì chúng ta đã có Luật Bất động sản, Luật Thuế thu nhập cá nhân, vì vậy không có gì phải lo ngaị sự lũng đoạn cả, thậm chí việc mua bán lại càng kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản. Đề nghị bỏ quy định sở hữu 1 nhà ở và 1 căn hộ đi vì nếu họ mua 2 căn hộ để dồn làm 1 mới đủ ở thì quy định như vậy là không hợp lý.
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Nhất trí chủ trương mở rộng đối tượng được mua nhà, sở hữu nhà ở Việt Nam. Về một số ý kiến còn băn khoăn thế nào là kỹ năng đặc biệt, thế nào là người có công, người gốc Việt Nam mà các đại biểu băn khoăn thì nội dung này trong dự thảo Nghị định của Chính phủ kèm theo đã quy định định rõ!
Đại biểu H’Luộc Ntơr (Đắc Lắc) cho rằng: Luật Đất đai cần thiết phải sửa, nhưng sửa thế nào để hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện (vì hiện nay, hơn 70% số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai), tranh chấp đất đai dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, thậm chí nhiều gia đình cũng xung đột giữa cha mẹ với con cái và ngược lại cũng chỉ vì quyền lợi liên quan đến quyền sở hữu đất đai, truyền thống gia đình bị phá vỡ, đạo đức bị xói mòn cũng vì đất đai trở thành hàng hoá có giá trị lớn trong thị trường. Bà H’Luộc Ntơr nuối tiếc: Ngày xưa, mỗi cái nhà dài của đồng bào Tây Nguyên có đến 5, 6 thế hệ cùng cung sống, cả chục gia đình (trong cùng huyết thống) chung sống đầm ấm, nay thì khác rồi, có nhà con kiện cha, anh em kiện tụng nhau...vì chuyện đất đai. Mà tại sao có những người làm liều thì chiếm được nhiều đất nay lại rất giàu, còn người chất phác lại chỉ có ít đất thôi thì vẫn nghèo? – Bà Ntơr băn khhoăn hỏi. Một câu hỏi thật khó trả lời vì thực tế chuyện sở hữu đất đai ở cả nước đang còn nhiều phức tạp, có lẽ phải nhiều năm nữa khi luật về đất đai, nhà ở không phải sửa nữa thì chuyện đất, chuyện nhà mới êm được.
Góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hai vấn đề “nóng” được các đại biểu Hưng Yên, Đắc Lắc, Quảng Trị ...''mổ xẻ'' gần như suốt buổi thảo luận chiều 22/5 là : không thể có hai loại điện ảnh và ai chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh?
Bà H’Luộc Ntơr (Đắc Lắc) nhấn mạnh: Cần phải xác định rõ điện ảnh cũng là một công cụ quảng bá văn hoá, là vũ khí đấu tranh trên mặt trận văn hoá- tư tưởng. Hiện nay, lĩnh vực điện ảnh đang bị buông lỏng. Thời lượng chiếu phim nội cả ở rạp cũng như trên sóng truyền hình chưa đến 30% như Luật hiện hành quy định. Nhất là phim chiếu ở rạp, có đến 90% là phim ngoại. Các tác phẩm điện ảnh dù là phim đặt hàng của Nhà nước phục vụ tuyên truyền chính trị nhân các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn... lại cũng chưa chú ý đến bản sắc văn hoá các dân tộc (chưa kể vô khối phim truyền hình) khi thể hiện các nhân vật là người dân tộc thiểu số cứ “nhại tiếng” không đúng, làm cho bà con không thích, thà cứ nói tiếng Kinh suốt cả phim cũng được. Ngay hình tượng Anh hùng Núp nói cũng không giống giọng của đồng bào (phim Đất nước đứng lên)...- bà Ntơr buôn rầu nói. Bà con dân tộc thiểu số xem phim thì toàn thấy phim nước ngoài, xa lạ với mình quá, làm gì có người cứ bay như chim... vô lý nhiều quá, sao quá ít phim về các anh hùng dân tộc, các cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống giặc ngoại xâm, chuyện về làm ăn, xây dựng đất nước... Điện ảnh nước nhà làm sao phải củng cố tinh thần tự hào dân tộc, yêu nước, thương dân... thì con cháu mình nó mới học tập, nó không bị phai nhạt bản sắc.
Các đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị), Hoàng Văn Em (Quảng Trị), Nguyễn Quang Hải (Hưng Yên)...đều cho rằng hiện nay, Nhà nước chưa quan tâm đầu tư phát triển điện ảnh, dẫn đến tình trạng ít có tác phẩm điện ảnh trong nước, trong khi đó các kênh truyền hình trong nước đều đua nhau khai thác phim nước ngoài với đủ mọi thể loại từ phim chưởng, đến phim dã sử, huyền thoại, phim bạo lực và phim kinh dị... Trong khi Luật Điện ảnh hiện hành lại chia điện ảnh ra làm hai loại: Điện ảnh - tức phim nhựa (chiếu ở rạp, màn ảnh rộng) và phim truyền hình – phát trên sóng truyền hình là quy định hết sức vô lý- Giáo sư Nguyễn Lân Dũng rất bức xúc nói. Sự vô lý này dẫn đến một nghịch lý: phim nhựa, phim video do Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch quản lý (nội dung), còn phim phát trên sóng truyền hình thì cơ quan khai thác phim tự chịu trách nhiệm.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn chuyển ý kiến của Đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi tới các đai biểu Quốc hội rằng: Tình trạng lạm dụng chiếu phim Mỹ (kiểu phim hành động, bạo lực) tràn lan nhiều năm nay tại các rạp chiếu phim màn ảnh rộng, đã dẫn tới thị hiếu của lớp trẻ chỉ thích dạng phim bạo lực của Mỹ mà không chú ý đến các dòng phim tâm lý xã hội rất đặc sắc của các nước khác Pháp, Nhật Bản.
Làm rõ nghịch lý nêu trên, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu: Trong Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh lần này lại không sửa điều 9, vì điều này quy định người đứng đầu cơ quan truyền hình chịu trách nhiệm nội dung phim phát trên sóng, như vậy: Không chỉ các đài truyền hình ở trung ương mà đài phát thanh- truyền hình các địa phương cũng tự khai thác phim phát sóng mà không chịu sự quản lý của một bộ nào, dù là theo Luật Báo chí thì Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về nội dung báo chí, còn nội dung phim phát sóng thì Bộ này cũng không có quyền quản lý. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp (đại biểu Hưng Yên) xác nhận: Chỉ có Tổng giám đốc (Đài Phát thanh, Truyền hình Trung ương) và Giám đốc Đài tỉnh, thành phố tự chịu trách nhiệm.
Tổng hợp những ý kiến nêu trên về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Thư ký của tổ thảo luận phải tổng hợp để yêu cầu Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh (trong Dự án sửa đổi, bổ sung của Luật Điện ảnh) để bảo đảm việc quy hoạch phát triển điện ảnh, kiểm soát phim ngoại nhập, định hướng về văn hoá tư tưởng trong lĩnh vực điện ảnh.v.v...
Ngày 23/5, Quốc hội tiếp tục làm việc.