Sáng nay (21/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2009; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.
Bội chi 8% là quá cao
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến năm 2009, mức bội chi ngân sách sẽ là 8%. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là mức quá cao, không an toàn cho nền kinh tế và cần hạ mức bội chi này xuống. Nguồn tiền dự trữ trong kho bạc, trong quỹ bảo hiểm trả nợ nước ngoài, quĩ cổ phần hoá… cần phải được huy động hết để giảm áp lực tăng bội chi, lạm phát. “Có một số ý kiến cho rằng nên để mức bội chi từ 6 – 6,5%. Tôi cũng đồng ý với quan điểm này”- Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nói.
Còn đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: hiện tất cả các nước đều công bố về mức bội chi ngân sách năm 2009 (Mỹ là 11%, Nhật Bản ở mức 10%, ngay cả Ấn Độ cũng ở mức 11,4%). “Trong năm 2009, nếu nước ta đạt mức bội chi 8% và kiểm soát giá cả dưới 10% thì đây là việc làm cần thiết và nếu không làm thì chúng ta khó có thể phục hồi nhanh trong năm 2010. Quốc hội cần ra Nghị quyết về vấn đề này chứ không phải cứ đồng ý cho bội chi và sau đó Chính phủ thực hiện mà không có sự đánh giá thực hiện”.
Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Tổng số vốn kích cầu lên tới 145.000 tỷ cho thấy sẽ có sự mất cân đối về thu- chi, bội chi ngân sách sẽ tăng lên. Bội chi ngân sách sẽ không chỉ tăng 8% GDP vì chuyển nguồn vốn từ năm 2008 đã là 30.000 tỷ đồng. Hiện nay, chưa tính phát hành trái phiếu Chính phủ vào bội chi, nếu tính cả nguồn này vào thì bội chi sẽ lên tới trên 10% GDP.
Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng: Cần có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và cân đối nguồn cung để cân đối ngân sách. Bội chi ngân sách không nên quá 6%, tối đa là 7% (bội chi ngân sách 2007 là 4,94%, 2008 là 5,64%).
Cho ý kiến về vấn đề bội chi ngân sách Nhà nước, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: Cần triệt để khai thác mọi nguồn thu để giảm bội chi ngân sách ở mức tối đa, giúp Chính phủ thuận tiện trong việc điều hành. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên có quyền hạn và trách nhiệm nhiều hơn trong việc quản lý các khoản thu-chi ngân sách.
Theo kiến nghị của một số đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh, Quốc hội cần ra Nghị quyết về vấn đề bội chi chứ không phải chỉ đồng ý thực hiện rồi cứ thế mà làm. Nghị quyết này phải nêu rõ nguồn nào trong bội chi bù đắp thâm hụt trong nguồn thu, phần nào tăng vốn kích cầu và khoản tăng đó đầu tư vào đâu. Cuối năm 2009, Chính phủ phải đưa ra kết quả thực hiện bội chi này ra sao, xem có đạt được các mục tiêu hay không.
Cần giám sát chặt chẽ gói kích cầu
Về gói giải pháp kích cầu trị giá 145.000 tỉ để thực hiện 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế, theo phân tích của đại biểu Trần Du Lịch thì có những nhóm là nguồn chứ không phải chi. Việc chuyển nguồn từ 2008 sang thì cũng có nghĩa là không tăng thêm tiền. Việc phát hành thêm 20.000 tỉ trái phiếu Chính phủ cũng là bù nguồn chứ không phải là chi ra. Thành ra không đánh giá được nhóm giải pháp này tác động thế nào đến các nhóm đối tượng (có tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp không, có giải quyết được việc làm không..), thì trong báo cáo của Chính phủ lại chưa nêu rõ.
Theo các đại biểu, mục tiêu chính của các gói kích cầu xét đến cùng là việc tạo ra việc làm cho xã hội. Thế nhưng, trong báo cáo của Chính phủ lại nói một cách rất chung chung là giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động. Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định: “Chỉ tiêu về việc làm là rất quan trọng đối với nền kinh tế cho nên phải có phân tích cụ thể, rõ ràng về số người mất việc, người tìm được việc làm mới…”.
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) cho biết: Có hiện tượng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn vốn vay kích cầu. Quan trọng hơn nữa là các hợp tác xã chưa được quan tâm trong việc kích cầu. Những điều này làm nảy sinh cơ chế xin - cho.
Còn theo đại biểu Phạm Thị Loan, dường như gói kích cầu của Chính phủ chỉ có lợi và tập trung cho những doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động, sản xuất kinh doanh tốt, có tài sản thế chấp. Như vậy, doanh nghiệp nào đang hoạt động tốt sẽ phát triển hơn còn những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, không có tài sản thế chấp sẽ không tiếp cận được gói kích cầu.
Đại biểu Phạm Thị Loan kiến nghị, Chính phủ cần có chiến lược nghiên cứu để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được tiếp cận được với nguồn vốn này.
Các đại biểu cũng cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo của chúng ta còn nhiều yếu kém. “Cuối năm 2008 khi Quốc hội họp tình hình kinh tế đã diễn biến phức tạp nhưng đến hết tháng 11 mà chúng ta vẫn chưa dự báo được GDP trong nước là bao nhiêu, chỉ áng chừng là 6% hay 6,5% và cuối cùng là 6,1%. Trong khi đó chúng ta lại nói rất nhiều đến diễn biến kinh tế ở các nước khác”(?).
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ phải đề ra được các giải pháp ứng phó sau khủng hoảng là gì. Theo kiến nghị của đại biểu Trần Du Lịch, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ ra kế hoạch ứng phó sau khủng hoảng. Kế hoạch đó nêu rõ phải bổ khuyết những gì về chính sách, biện pháp, tái cấu trúc nền kinh tế… trình kỳ họp thứ 6 (vào tháng 11 tới) để giải quyết. Chúng ta không thể làm như hiện nay là “ứng phó theo từng ngày”. /.