Thoát khỏi suy giảm, nhưng kinh tế phải tăng trưởng cao hơn

26/10/2009

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tuy đã chặn được đà suy giảm kinh tế, nhưng thách thức trước mắt không phải là ít, nhất là nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Do vậy, đây là thời điểm Chính phủ cần tập trung phát huy nội lực để vực dậy nền kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng

Tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 6 đã trôi qua, cùng với công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2009; phương hướng, nhiệm vụ năm 2010 và thực hiện ngân sách nhà nước. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là làm sao để thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn trong điều kiện nền kinh tế đã bước đầu thoát khỏi sự suy giảm.

 

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với đánh giá của Chính phủ rằng: Năm nay, nền kinh tế nước ta đã thoát khỏi suy giảm và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế. An sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả khá, nổi rõ nhất là: Xuất khẩu gạo cả năm ước đạt khoảng 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 708.000 tỷ đồng, bằng 42,2% GDP và tăng 16% so với năm 2008. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự kiến cả năm tăng khoảng 5,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tổng số chi cho an sinh xã hội tăng 62% so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến cuối năm còn khoảng 11%...

 

Những kết quả này là cơ bản và quan trọng, chứng tỏ sự đồng tâm hiệp lực và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, thì tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; nhất là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể. Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn...

 

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

 

Nhiều đại biểu nhận định, việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ, gói kích thích kinh tế của Chính phủ còn mang tính bình quân, còn tình trạng khó tiếp cận với chính sách của một số đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cùng được nới lỏng sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trong giai đoạn tới. Do vậy, việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ nới lỏng, nhưng cần thận trọng, chính sách tài khóa đầu tư mở rộng cần bảo đảm chặt chẽ và tính hiệu quả phải cao.

 

Trong thảo luận, nhiều câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra đề nghị được Chính phủ giải đáp, đó là: Vì sao tăng trưởng kinh tế lại “nở theo chiều ngang”? Tái cấu trúc lại nền kinh tế như thế nào?  Bắt đầu từ đâu và cơ quan nào chịu trách nhiệm xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế? Hiệu quả của gói kích cầu và có nên bổ sung gói kích cầu thứ 2 hay không? như mục tiêu của Chính phủ đề ra trong năm tới. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, chúng ta đã chặn được đà suy giảm kinh tế, nhưng thách thức trước mắt không phải là ít, nhất là nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Do vậy, đây là thời điểm Chính phủ cần tập trung phát huy nội lực để vực dậy nền kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng. Mục tiêu tăng trưởng trên 5% đã đạt được theo yêu kế hoạch đề ra, nhưng tăng trưởng chủ yếu vẫn “nở chiều ngang” nhờ Chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế chứ hiệu quả thu được từ đồng vốn không cao. Bằng chứng là hệ số sử dụng vốn (chỉ số ICOR) của năm 2008 là 6,66 nhưng năm nay chỉ ước tính lên đến 8. Điều đó chứng tỏ các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vừa qua đã có hiệu quả nhất định nhưng để nói đã “đáng đồng tiền bát gạo” hay chưa thì cần đánh giá thêm. Nền kinh tế đã phục hồi, nhưng chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao như trước nên chúng ta vẫn cần duy trì kích cầu để kích thích nền kinh tế, song mức độ phải khác, chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn hơn, đi vào chiều sâu hơn.

 

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tới đây cần phải có những giải pháp mạnh và đồng bộ trong việc thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư; đồng thời, có qui định cụ thể nhằm đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình, song song với việc cải tiến thủ tục giải ngân các nguồn vốn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo nên sự thông thoáng, thuận lợi để đầu tư hiệu quả. Báo cáo của Chính phủ sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận vào tuần tới; nhưng nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phân tích khá sâu sắc nhiều góc độ khác nhau trên tất cả các vấn đề mà Chính phủ đã đề cập. Trong đó, nhiều ý kiến vẫn coi những giải pháp Chính phủ đặt ra để giải quyết 6 nhiệm vụ lớn trong năm 2010 là rất cần thiết, khả thi nhưng cần qui định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng bộ, ngành và chính quyền địa phương; đi đôi với việc xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong bộ máy nhà nước./.  

 

Sông Thao

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác