Giải pháp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát

26/03/2008

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Kho bạc Nhà nước chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Đây là một trong nhiều giải pháp thắt chặt tiền tệ, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát.

(VOV)_Phóng viên VOVNEWS phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội về các giải pháp kiểm soát tiền tệ tại thời điểm này.

 

** Thưa ông, việc Kho bạc Nhà nước rút tiền gửi ở các ngân hàng Thương mại về gửi ở Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động như thế nào đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát của nước ta?

 

- Đây là hoạt động nằm trong tổng thể chung thắt chặt tiền tệ và tài chính. Điều đó là cần thiết vì trước đây Kho bạc Nhà nước để tiền ở các ngân hàng thương mại thì coi như một khoản vốn của Ngân hàng thương mại. Và đương nhiên Ngân hàng thương mại sẽ mở rộng lượng tín dụng của mình khiến cho tổng cung tăng lên.

 

 

Chúng ta có thể nhìn thấy rõ, các ngân hàng thương mại ở khu vực Hà Nội trong năm 2007 đã tăng mức tín dụng của mình tới gần 80%, trong khi GDP tăng chỉ trên dưới 10%. Đây là một con số cực kỳ lớn. Do đó để thắt chặt tín dụng bằng tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất ở mức độ nhất định thì việc kéo tất cả các luồng tiền có khả năng trở thành tín dụng dù là tín dụng ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn đều cần chặt chẽ hơn. Tôi cho rằng quy định của Chính phủ là cần thiết và đúng đắn.

 

** Thưa ông, vậy tại sao đến thời điểm này chúng ta mới đưa ra quyết định này mà không đưa ra cùng với các quyết định thắt chặt tiền tệ trước đó?

 

- Việc gửi tiền của Kho bạc vào ngân hàng thương mại đã có tiền lệ khá lâu. Thực ra có thời điểm chúng ta còn khuyến khích do thiếu phương tiện thanh toán cũng như để tăng dòng vốn của xã hội. Tuy nhiên trong thời điểm thắt chặt như hiện nay thì cần phải làm lại. Và việc bây giờ mới đưa ra quyết định này là vì quá trình phải đồng bộ.

 

Trước đây, chúng ta tập trung thắt chặt các khoản tiền có thể nhìn thấy ngay của ngân hàng, còn những khoản tiền của Nhà nước thì bây giờ mới tới lượt.

 

**  Vậy theo ông, việc hút lại tiền về của Kho bạc Nhà nước liệu có gặp khó khăn không?

 

- Vấn đề này liên quan đến tác nghiệp nghiệp vụ. Tuy nhiên, khi lệnh Chính phủ đưa ra thì tất cả lợi ích gửi tiền được lãi suất sẽ gạt bỏ qua một bên và điều đó không ảnh hưởng tới thu hồi nguồn tiền.

 

Về nguyên tắc các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào ngân hàng thương mại là nhận lãi suất không thời hạn, vì vậy hoàn toàn không gặp khó khăn gì.

 

** Thưa ông, trong năm qua, các ngân hàng thương mại đã có mức tăng tín dụng rất cao và đây cũng là một trong những yếu tố gây lạm phát; đồng thời cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ra rủi ro cho chính các ngân hàng này. Vậy chúng ta nhìn nhận gì từ bài học này?

- Việc các ngân hàng thương mại đã phát hành lượng tín dụng lớn ra bên ngoài trong thời gian qua cũng là hiện tượng bình thường của nền kinh tế phát triển trong thời kỳ gia nhập WTO cũng như do những chính sách kinh tế mở khuyến khích phát triển vì vậy tạo ra động lực cho phát triển nóng. Đây cũng là yếu tố bình thường và các nước khác cũng gặp phải. Tuy nhiên khi nóng quá và lại trên cơ sở thiếu lành mạnh, tức là các ngân hàng chỉ dựa trên cơ sở là ra quyết định mượn trụ sở và huy động vốn để tung ra thị trường,  thì thiếu tính đảm bảo. Bởi theo nguyên tắc, để lành mạnh hóa thị trường tài chính tín dụng, nhất là thị trường cho vay của ngân hàng thì các ngân hàng đều phải đảm bảo lượng tiền tối thiểu của mình là 8%. Thế nhưng thực tế nhiều ngân hàng không đạt được như vậy, chỉ trừ một số ngân hàng lớn.

 

Như vậy rõ ràng chúng ta để tình trạng thiếu kiểm soát sự bành trướng của các ngân hàng không lành mạnh sẽ gây ra lượng tín dụng cũng không lành mạnh và nó gây nguy cơ sốt nóng cao và dễ đổ vỡ. Chính vì vậy Chính phủ đã ra quyết định để Ngân hàng Nhà nước có động thái thắt chặt tiền tệ, tăng tính thanh khoản và kiểm soát lượng tín dụng cũng như bắt buộc phải tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại ngân hàng, tạo sự lành mạnh.

 

Tuy nhiên cũng đã đến lúc chúng ta phải tự do hóa tài chính theo lộ trình WTO, tức là dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào rất nhiều và đây mới là yếu tố cần phải tính tới, cần phải chuẩn bị nhiều hơn. Dòng vốn trong nước cũng chỉ là dòng vốn trong nước và có hạn, dòng vốn nước ngoài đổ vào mới là lớn. Đây là bài toán mới đòi hỏi có giải pháp không thể giống như trước đây, không thể cấm đoán, ngăn chặn mà phải bằng những công cụ kinh tế.

 

** Vậy chúng ta rút ra bài học gì khi mà lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta vượt quá mức dự báo?

 

- Bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra được là lượng vốn nước ngoài luôn dồi dào và nó ra và vào nhanh hơn chúng ta tưởng. Do đó tất cả những dự định, dự tính, những thói quen suy nghĩ của chúng ta cần phải thay đổi. Về tốc độ, quy mô vốn trong đầu tư, nó không khiêm tốn như chúng ta tưởng tượng.

 

Thứ hai là tác động của nó không phải chỉ có một mặt tốt mà còn có cả mặt trái nữa. Ví dụ gây ra sự bành trướng, sự “nở” quá mức của những hoạt động kinh tế cũng như sự nguội lạnh quá mức khiến những dao động kinh tế rất mạnh và tạo ra hiện tượng mới cũng như bài toán mới rất khó.

 

Thứ ba là chúng ta không thể dùng công cụ cũ để điều khiển, quản lý dòng vốn này mà thay vào đó là sử dụng rất mềm dẻo chính sách tỷ giá, dự trữ, chính sách dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ như thế nào để đảm bảo cân đối tiền hàng, cân đối các luồng tiền.

 

** Xin cảm ơn ông!/.

Thanh Trường

(http://www.vovnews.vn)