UBTVQH giám sát tại Đồng Nai, Đà Nẵng và Tiền Giang

28/08/2007

Ngày 27- 28.8, ba Đoàn công tác của UBTVQH lần lượt do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hoàng Anh làm Trưởng đoàn đã tiếp tục chương trình giám sát tại Đồng Nai, Đà Nẵng và Tiền Giang.

Nội dung trọng tâm của cả ba Đoàn công tác là giám sát việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi.

+ Tại Đồng Nai, qua giám sát cho thấy: Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, song vẫn còn những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương. Tỉnh kiến nghị cần xem xét, điều chỉnh những điểm còn chôçng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở liên quan đến việc quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sớm xử lý những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại  khu vực đô thị. Đối với việc đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, trong quá trình thực hiện, Đồng Nai gặp vướng mắc lớn nhất là ở giá đất. Đoàn giám sát đã ghi nhận những kiến nghị của địa phương là cần rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành để khắc phục những bất cập và tạo tính thống nhất, công bằng trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai.

+   Làm việc với Thường trực HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng và quận Hải Châu, Đoàn giám sát đã ghi nhận: Đến hết  tháng 6.2007, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là do quá trình đô thị hóa, hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đã biến động tới trên 60%, dẫn đến khó khăn cho công tác cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. UBND thành phố kiến nghị cho phép thực hiện việc lồng ghép quy định giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở để ban hành Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và quyền sở hữu nhà; Được hỗ trợ về kinh phí để tiến hành đo đạc, xác lập lại bản đồ địa chính và xây dựng hồ sơ địa chính... Về việc đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ như thưởng đối với những hộ bàn giao mặt bằng sớm, đúng tiến độ từ 5- 8% giá trị đền bù của hộ giải tỏa, làm nhà tạm hoặc nhà liền kề bố trí cho các hộ bị giải tỏa ở tạm trong khi chờ nhận đất tái định cư và làm nhà ở mới. Hiện, thành phố có 137 dự án lớn đang thực hiện công tác đền bù, giải tỏa theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm cho lao động trên 40 tuổi còn gặp nhiều khó khăn, việc giao đất tái định cư cho nhân dân còn nặng về phong tục, tập quán, sở thích và nhu cầu của người dân bị thu hồi đất.

Đoàn giám sát yêu cầu Đà Nẵng đưa ra hướng giải quyết với việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp bị mất giấy tờ do chiến tranh hoặc thiên tai; Rà soát lại phần trăm diện tích đất bị thu hồi của từng hộ gia đình và số lượng lao động được giải quyết việc làm thuộc diện bị thu hồi đất; Tiếp tục giải quyết cho các trường hợp đã bị thu hồi đất nhưng chưa được tái định cư; Nghiên cứu phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để triển khai các dự án công trình công cộng.    

+ Tại Tiền Giang, từ khi thực hiện Luật Đất đai, Tiền Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 96,92% diện tích đất; Thực hiện thu hồi hơn 820 ha với tổng giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng lên tới 1.210 tỷ đồng; Đầu tư gần 223 tỷ đồng cho công tác tái định cư và trợ giúp một lần để người dân có đất bị thu  hồi trong độ tuổi lao động chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, Tiền Giang gặp nhiều khó khăn do chính sách đất đai không ổn định, trình độ cán bộ địa chính cơ sở còn hạn chế, quỹ đất công dành để bố trí tái định cư ít...Đoàn giám sát cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu, rà soát kỹ các văn bản pháp luật để vừa bảo đảm được lợi ích chính đáng của người dân, vừa không làm trái luật; Cần đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, ổn định xã hội; Xây dựng chiến lược đào tạo nghề dài hạn cho người có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động để người dân thuận lợi trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống.

 

 

N.Tuấn - P.Thúy - T.Hồng

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)