UBTVQH giám sát tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng

19/06/2007

Ngày 15.6, tiếp tục thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện việc cấp GCN quyền sử dụng đất, tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đền bù giải phóng mặt bằng và việc triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, ba đoàn công tác của UBTVQH đã tiến hành giám sát tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng.

Tại Hưng Yên, Đoàn công tác do Chủ nhiệm Uỷ ban KT-NS Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn. Qua giám sát cho thấy: Đến hết tháng 5.2007, toàn tỉnh Hưng Yên đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 90% tổng số hộ sử dụng đất nông nghiệp; Cấp GCN quyền sử dụng đất đạt 62,5% tổng số hộ; Triển khai thu 62 loại phí và lệ phí, thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 13 tỷ đồng…Tuy nhiên, hệ thống hồ sơ địa chính tại các cấp chưa đồng bộ, công tác quản lý theo dõi biến động đất đai còn nhiều bất cập nên khó khăn trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất, thu hồi đất, đền bù và còn xảy ra khiếu kiện.

Đoàn giám sát đã ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc thực hiện các công tác này, đồng thời đề nghị tỉnh Hưng Yên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp GCN quyền sử dụng đất để hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đề ra; Lấy ý kiến nhân dân về các loại phí, lệ phí đang thực hiện tại từng cấp cơ sở để hạn chế các loại phí và lệ phí bất hợp lý; Minh bạch, công khai thông tin và chú trọng công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu các chính sách của Nhà nước và địa phương về đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tại Bắc Giang, Đoàn giám sát do Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình làm Trưởng đoàn. Đòan đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ban Quản lý KCN và huyện Việt Yên. Đòan đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất; đến nay, Bắc Giang đã cấp được 815 ngàn GCN quyền sử dụng đất, đạt 92,6% số hộ. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai của địa phương còn thiếu chặt chẽ, chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, đền bù giải phóng mặt bằng. Nổi cộm của vấn đề thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng tại địa phương đó là thực tế đang tồn tại hai loại giá đất đền bù có mức chênh lệch cao, cụ thể là giá đền bù của Nhà nước theo Quyết định của UBND tỉnh thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường gây nên tâm lý so bì của người dân dẫn đến phát sinh khiếu kiện về đất đai; trong năm 2006, địa phương có hơn 80% vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai. Công tác thu phí và lệ phí được triển khai đúng quy định của pháp luật, tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Trong 3 năm từ 2004- 2006 nguồn thu từ phí và lệ phí của tỉnh đạt trên 63 tỷ đồng. Đoàn giám sát cũng lưu ý địa phương khi thực hiện công tác đền bù thu hồi đất cần tạo điều kiện để người dân bị thu hồi đất tái định cư có đời sống mới tốt hơn; Đồng thời ghi nhận những ý kiến phản ánh về những bất cập trong việc triển khai cơ chế chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất và việc thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn để QH nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện pháp luật về đất đai và cơ chế chính sách trong thời gian tới. 

Tại Hải Phòng, Đoàn công tác do Phó chủ nhiệm Uỷ ban KT-NS Dương Thu Hương làm Trưởng đoàn. Qua giám sát cho thấy, tính đến cuối năm 2006, TP Hải Phòng đã cấp GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho 3.192 hộ/208.184 hộ. Việc thực hiện quy trình cấp GCN quyền sử dụng đất theo đúng quy định; Thực hiện các quy định pháp luật về thu, quản lý, sử dụng các loại phí, lệ phí bảo đảm đúng chính sách, chế độ, phù hợp với khả năng đóng góp của người dân; Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm theo quy định của pháp luật và tiến độ các dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ cấp GCN quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn còn thấp so với bình quân chung của cả nước; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, nhất là các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các công trình trọng điểm quốc gia; Vấn đề giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi chưa thực sự hiệu quả; Việc ban hành quy định một số khoản phí chưa kịp thời …

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của địa phương, đồng thời lưu ý TP Hải Phòng điều chỉnh, sửa đổi hoặc loại bỏ một số loại phí, lệ phí không còn phù hợp; Nắm chắc số nhân khẩu trong số hộ bị thu hồi đất và số lao động chưa được hỗ trợ, đào tạo, giải quyết việc làm, đặc biệt chính quyền địa phương cần sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có biện pháp phù hợp làm tốt công tác này.

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)