QH thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ 2002 - 2007 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ

28/03/2007

ND - Ngày 26-3, ngày làm việc thứ năm, kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XI, các đại biểu thảo luận tại hội trường báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, khẳng định những đóng góp của Chủ tịch nước vào thành tựu chung của đất nước. Ðó là kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá nhanh, văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, vị thế nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến phát biểu cũng kiến nghị Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ mới cần quan tâm hơn một số vấn đề, như việc ký kết, phê chuẩn Ðiều ước quốc tế; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh thuộc Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, công tác cải cách tư pháp.

Sự điều hành năng động của Chính phủ góp phần phát triển kinh tế-xã hội

Với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu QH bắt đầu thảo luận Báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007.

Các đại biểu đánh giá cao những việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm được trong nhiệm kỳ, nhất là trong bối cảnh khó khăn và thách thức, công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá cao, văn hóa-xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, thế và lực của đất nước được tăng cường và vững mạnh hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp đã quản lý đất nước và xã hội, điều hành nền kinh tế một cách năng động và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội IX và X của Ðảng.

Các đại biểu QH cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng đã điều hành kịp thời và hiệu quả việc phòng, chống bão lũ, dịch cúm gia cầm; đạt hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của Nhà nước. Những kinh nghiệm kể trên là rất đáng quý, cần rút ra các bài học có thể giúp ích cho Chính phủ nhiệm kỳ tới. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) đồng tình với Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, chú ý phát triển kinh tế vùng (liên thông giữa các tỉnh), có chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong điều kiện mới.

Nhiều đại biểu QH phân tích sâu hơn việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa nước ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh thành tựu về kinh tế-xã hội, sự tiến bộ trên một số lĩnh vực của đời sống, các đại biểu QH cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, bất cập như kinh tế tăng trưởng, nhưng chất lượng và sức cạnh tranh còn yếu, thiếu ổn định; sự chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết các vấn đề xã hội chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Cải cách hành chính còn chậm; an toàn giao thông  là nỗi lo lớn của toàn xã hội; quy hoạch của từng ngành, từng địa phương còn bất cập. Những vấn đề đó được nêu ra nhiều lần, nhưng chưa có giải pháp thật sự hiệu quả để tháo gỡ.

Các đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phan Thị Thu Hà (Ðồng Tháp) kiến nghị Chính phủ cần tập trung làm mạnh hơn, hiệu quả hơn công tác cải cách hành chính, làm sao để hệ thống chính quyền giải quyết công việc của doanh nghiệp và của dân một cách gọn gàng, thông suốt.

Ðại biểu Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh, cần xây dựng tính chuyên nghiệp của bộ máy hành pháp trong điều kiện hội nhập. Một số đại biểu QH đề nghị cần kiên quyết, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí.

Ðại biểu Nguyễn Hữu Thỉnh (Bến Tre) đề nghị cần quan tâm, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

 

 

VŨ HOÀNG LONG và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn/)