Thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội

27/03/2007

“Thực hành đầy đủ và thực chất chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã được pháp luật quy định cũng chính là thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, hai mặt đó đã diễn ra cùng một lúc, không tách rời nhau”. VOVNEWS giới thiệu bài viết của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An…

Pháp luật đã quy định khá đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân, của các cơ quan quyền lực và công chức Nhà nước. Cái yếu nhất của chúng ta hiện nay là ở khâu thực hành, thực hành tốt quyền hạn và nhiệm vụ của ĐBQH cũng chính là thực hành tốt dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, và ngược lại.

Thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội là một vấn đề vừa rất thời sự và thiết thực, vừa rất nhạy cảm và hệ trọng. Đây cũng là một nguyên nhân của những tiến bộ, đồng thời cũng là một nguyên nhân của những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay. Điều đó thể hiện rõ nhất ở chỗ chúng ta chưa thực hành thật tốt nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội luôn gắn bó hữu cơ với việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và đối với Quốc hội nói riêng; đồng thời cũng gắn bó hữu cơ với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cùng với các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Khi tôi còn đương chức, có một vị khách trong đoàn ngoại giao nêu một câu hỏi rất thú vị. Ông ta nói rằng, theo ông ta biết thì Quốc hội Việt Nam chỉ do một Đảng duy nhất lãnh đạo, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế thì tại sao các đại biểu là đảng viên của Đảng lại phát biểu nhiều ý kiến khác nhau như thế? Lại giám sát và chất vấn Chính phủ nhiều như thế? Về vấn đề này ông ta rất khó phân biệt sự khác nhau giữa Quốc hội Việt Nam do một Đảng lãnh đạo với Quốc hội ở các nước có nhiều đảng tham chính, ông ta đề nghị giúp ông ta hiểu rõ thêm về vấn đề này?

Tôi đã thưa lại với ông ta rằng: “Thưa quý ngài kính mến, trước hết tôi xin cảm ơn và hoan nghênh ngài đã quan tâm và nêu một câu hỏi rất tinh tế và thẳng thắn. Chắc ngài đã biết, Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước và xã hội, song Đảng không làm thay công việc của Nhà nước. Các tổ chức và đảng viên của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng viên của Đảng phải chấp hành nghị quyết của Đảng, đó là nguyên tắc đã được ghi trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng. Song Đảng viên là đại biểu Quốc hội cũng phải chấp hành pháp luật nhà nước, cũng phải làm nhiệm vụ của đại biểu, cũng phải phản ánh và quyết định thể theo ý chí và nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong cả nước, cũng phải giám sát và chất vấn Chính phủ theo quy định, đó là nguyên tắc mà pháp luật nhà nước đã quy định. Người đảng viên là đại biểu Quốc hội phải chấp hành cả hai nguyên tắc này, không được bỏ một nguyên tắc nào cả, chính vì thế mà có nhiều ý kiến khác nhau trong thảo luận cũng như trong giám sát và chất vấn. Nếu đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, không thảo luận các dự án của Chính phủ, không giám sát và chất vấn Chính phủ như các đại biểu là đảng viên của đảng cầm quyền ở phần lớn Quốc hội các nước có nhiều đảng tham chính, thì sẽ không còn hiện tượng nhiều ý kiến khác nhau tại Quốc hội như thế nữa. Đó chính là điều làm ngài khó hiểu.

Nghe tôi trình bày như vậy ông ta cảm ơn, song hơi nhún vai, tỏ ý vẫn khó hiểu!

Ông ta tỏ ý vẫn còn khó hiểu cũng là điều có thể hiểu được. Bởi vì ở các nước theo chế độ đa đảng thì nói chung đại biểu là đảng viên của đảng nào phải phát biểu theo quan điểm của đảng đó. Đại biểu là đảng viên của đảng cầm quyền nói chung bao giờ cũng tán thành với chủ trương trong dự án của Chính phủ trình Quốc hội; thường chỉ có đại biểu là đảng viên của đảng không cầm quyền, nhất là đảng đối lập, khi có cơ sở và cần thiết mới lập luận để phản bác dự án của Chính phủ, mới giám sát, chất vấn Chính phủ, để từ đó mà phát huy thanh thế, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri và giành lợi thế về cho đảng mình. Có lẽ vì thế mà ông người nước ngoài đó vẫn còn tỏ vẻ khó hiểu?

Đó là chuyện băn khoăn của ông người nước ngoài, còn chúng ta thì sao? Phải chăng chính chúng ta cũng còn không ít băn khoăn? Cũng có vấn đề còn chưa được rõ ràng lắm, chưa được yên tâm lắm?

Nhìn lại các khóa Quốc hội vừa qua chúng ta thấy rằng, khi Quốc hội xem xét các dự án, khi giám sát và chất vấn Chính phủ, đã có rất nhiều đại biểu tham gia phát biểu tranh luận, song hình như vẫn còn có những hạn chế nhất định nào đó? Có một hiện tượng dễ dàng nhận thấy là, nhiều cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước ít phát biểu ý kiến trước Hội trường, ít tranh luận, ít chất vấn, nhất là những vấn đề mà Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã có chủ trương lãnh đạo. Điều đó liệu có phần nào ảnh hưởng không tích cực tới tính sinh động trong phiên họp của Quốc hội và tới chất lượng hoạt động của Quốc hội hay không? Vì sao lại có hiện tượng đó? Chắc là do nhiều nguyên nhân, ở đây tôi chỉ xin đề cập tới một nhận thức cụ thể cần được làm rõ hơn, đó là nhận thức về nguyên tắc tập trung dân chủ và về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung, đối với Quốc hội nói riêng. Nhận thức đúng về nguyên tắc và phương thức nêu trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

Câu hỏi đặt ra của một số vị đại biểu Quốc hội là, khi ý kiến của đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng nói riêng, khác với một vài vấn đề cụ thể trong dự án của Chính phủ, của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thì các vị đại biểu Quốc hội đó phát biểu như thế nào? Vì đây là những dự án thể hiện chủ trương lãnh đạo của Đảng? Đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng có được quyền phát biểu ý kiến của cử tri gửi gắm cũng như ý kiến riêng của mình không? Có ý kiến khác nhau thì có phải là ủng hộ hay là không ủng hộ Chính phủ không? Và đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng, nếu phát biểu ý kiến khác với một vài nội dung cụ thể trong chủ trương lãnh đạo ban đầu của Đảng thể hiện trong dự án của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thì có bị coi là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không?

Đó là một vấn đề rất cụ thể, rất thời sự và cũng rất hệ trọng. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thể để xem thực tiễn đã diễn ra như thế nào?

Nhìn lại các khóa Quốc hội vừa qua, chúng ta thấy ngay rằng, nhiều đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu Quốc hội là đảng viên và là cán bộ cao trung cấp của Đảng, đã rất thẳng thắn phát biểu phản ánh ý kiến của cử tri và nhân dân cũng như ý kiến độc lập của chính mình khi xem xét các dự án (kể cả dự án về nhân sự) của Chính phủ, của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Trong những ý kiến đó có một số ý kiến khác với một vài vấn đề cụ thể trong chủ trương lãnh đạo ban đầu của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận thức đúng đắn rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm phản ánh, phân tích và quyết định thể theo ý chí và nguyện vọng của cử tri, góp phần làm cho chủ trương của Đảng được hoàn thiện hơn, dự án của Chính phủ được sát hợp với cuộc sống hơn, và cuối cùng là làm cho ý Đảng, lòng Dân là một. Ý Đảng lòng Dân là một thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua, kẻ thù nào chúng ta cũng đánh thắng. Đây là vấn đề có ý nghiã sống còn của Đảng và Nhà nước ta.

Có một thực tế là, khi Đảng bàn và đề ra chủ trương lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì nói chung Đảng chưa có điều kiện lắng nghe ý kiến của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, trong đó có nhiều đảng viên và nhiều cán bộ trung cao cấp của Đảng chưa được tham gia ý kiến về chủ trương lãnh đạo ban đầu đó. (Thông thường, ít nhất cũng có khoảng từ 75% đến 87% đại biểu là đảng viên chưa được tham gia ý kiến về chủ trương lãnh đạo ban đầu đó của Đảng).

Chính vì vậy khi Quốc hội xem xét, thông qua các dự án của Chính phủ trình Quốc hội, Đảng và Chính phủ cần khuyến khích các đại biểu Quốc hội, cả đảng viên và không đảng viên, thảo luận sâu sắc, làm sáng tỏ thêm, cụ thể hóa thêm, góp phần hoàn thiện thêm chủ trương chính sách của Đảng thể hiện trong dự án của Chính phủ. Ý kiến của đại biểu Quốc hội là phản ánh và đại diện cho ý kiến của cử tri và nhân dân, Đảng và Chính phủ cần trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đúng đắn, giải trình thuyết phục lại những vấn đề cần thiết, đảng viên là đại biểu Quốc hội phải chấp hành sự giải trình đó của Đảng, đó chính là chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, cuối cùng dẫn tới ý Đảng, lòng Dân là một, không thể là hai, không có lý do gì là hai được, là hai là xa lạ với bản chất chính trị của Đảng và Nhà nước ta, là hai thì chủ trương đó của Đảng sẽ không được lòng Dân, sớm muộn cũng sẽ bị thất bại.

Khi người đại biểu Quốc hội nghĩ và làm như vậy thì Đảng và Chính phủ đã xử sự như thế nào? Thực tiễn vừa qua cho thấy Đảng và Chính phủ đã rất tôn trọng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội, trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đúng đắn của các vị đại biểu Quốc hội, giải trình thuyết phục lại những vấn đề cần thiết, nâng cao chất lượng dự án trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Làm như vậy Đảng ta vừa thực hiện được vai trò lãnh đạo như Hiến pháp quy định, vừa phát huy dân chủ trong hoạt động Nhà nước, trong hoạt động Quốc hội, tập trung được trí tuệ của đại biểu Quốc hội, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, của Quốc hội, Đảng không làm thay Nhà nước, không làm thay Quốc hội, không biến các tổ chức đó trở thành hình thức, thể chế máy móc, thụ động thừa hành, tránh được nguy cơ chủ quan, áp đặt sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Tuy còn không ít băn khoăn và hạn chế nhất định, song chúng ta đã và đang làm như vậy qua nhiều khóa rồi. Thời gian đầu cũng có không ít ý kiến cho rằng, nước ta chỉ có một Đảng duy nhất lãnh đạo thì tại sao lại đặt ra vấn đề giám sát và chất vấn, tại sao đại biểu là đảng viên của Đảng lại phát biểu ý kiến khác với chủ trương lãnh đạo ban đầu của Đảng thể hiện trong dự án của Chính phủ? Nhưng càng ngày càng thấy chủ trương phát huy dân chủ của Đảng trong hoạt động của Quốc hội như vừa qua là rất đúng đắn. Việc công khai hóa phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội đã khích lệ tinh thần trách nhiệm và tính tích cực của mỗi đại biểu Quốc hội cũng như những vị giữa các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; gắn bó Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thủ tướng và Bộ trưởng với cử tri và nhân dân cả nước. Thực tiễn đó khẳng định sự lành mạnh của hệ thống chính trị và sự đúng đắn của chủ trương phát huy dân chủ trong hoạt động của Nhà nước, của Quốc hội. Việc làm vừa qua chắc chắn sẽ ngày càng tốt hơn nếu chúng ta tạo được sự thống nhất cao hơn trong nhận thức và hành động. Đó là cách hiểu đúng và làm đúng của Đảng; Chính phủ và của Quốc hội chúng ta; vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng một cách đúng đắn; vừa ủng hộ Chính phủ một cách có trách nhiệm; vừa ngày càng nâng cao được vai trò thực chất của Quốc hội, từng bước giảm tính hình thức; góp phần thiết thực để mỗi thành viên trong hệ thống chính trị ngày càng làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Không suy nghĩ sâu sắc để đóng góp ý kiến một cách chủ động và tích cực, chỉ chấp hành một cách máy móc xuôi chiều là thiếu trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên và người đại biểu nhân dân. Vì suy cho cùng thì vấn đề quan trọng nhất là chủ trương lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa bằng pháp luật có phù hợp với quy luật khách quan không?

Đảng viên là đại biểu Quốc hội có ý kiến đóng góp với Đảng và Chính phủ như nêu trên đây là rất cần thiết, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ; vừa chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong hoạt động Quốc hội, vừa chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, như vậy là có trách nhiệm cao với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân.

Đối với những nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Đảng là những chủ trương lãnh đạo ban đầu của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, đối với Quốc hội nói riêng, được thể hiện trong các dự án của Chính phủ, của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Đảng khuyến khích các đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, phát biểu nhiều ý kiến đóng góp, làm sáng tỏ thêm những vấn đề cụ thể. Làm như vậy, Đảng viên là đại biểu Quốc hội đã thực hiện đúng nhiệm vụ của đại biểu theo quy định của pháp luật. Đảng và Chính phủ trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng đắn của đại biểu Quốc hội và giải trình thuyết phục lại những vấn đề cần thiết. Làm như vậy, Quốc hội vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và ủng hộ Chính phủ một cách đúng đắn, với trách nhiệm cao nhất trước cử tri và nhân dân cả nước, vừa khắc phục dần tính hình thức, ngày càng thực hiện đầy đủ và thực chất hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội mà pháp luật đã quy định. Suy cho cùng, sự lãnh đạo của Đảng quan trọng nhất là bảo đảm để các tiết chế cơ bản của hệ thống chính trị vận hành với hiệu lực và chức năng của các thành viên trọng hệ thống chính trị. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu là đảng viên và cán bộ trung cao cấp của Đảng, cần phải phát huy tính chủ động sáng tạo, mạnh dạn phát biểu thắng thắn những ý kiến của cử tri và nhân dân, cũng như những suy nghĩ độc lập của chính mình, với tinh thần trách nhiệm và xây dựng khi Quốc hội xem xét thông qua các dự án của Chính phủ, của Ủy ban thường vụ trình Quốc hội.

Trở lại câu hỏi của một vị khác người nước ngoài như trên đã nêu, nếu Quốc hội Việt Nam chúng ta, Quốc hội chỉ có một Đảng tham chính, lại hoạt động như Quốc hội ở phần lớn các nước có nhiều Đảng tham chính thì kết quả sẽ như thế nào? Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay rằng, các dự án của Chính phủ trình ra Quốc hội sẽ chỉ có một số ít đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên của Đảng phát biểu ý kiến, và khi Quốc hội biểu quyết thì các dự án mà Chính phủ đã trình, mặc dù ít hoặc không được sửa đổi, bổ sung, nâng cao, cũng đều được thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao (có thể khoảng trên dưới 80% -90%), trong khi còn nhiều đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng chưa được tham gia ý kiến, còn không ít băn khoăn, nhưng không được phát biểu! Sự thống nhất cao đó có đúng thực chất kông? Quốc hội sinh hoạt như vậy có hình thức không? Đại biểu Quốc hội là đảng viên của Đảng ta có đại biểu cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong xã hội không? Các đồng chí đó sẽ phản ảnh ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, của các nhóm lợi ích cụ thể khác nhau vào cơ hội nào? Chất lượng các dự án được thông qua theo cách này tốt hơn hay kém hơn cách mà chúng ta đã làm và đang làm? Quốc hội hoạt động không thực chất thì được lòng Dân hay mất lòng Dân? Có phải cái gì không thực chất thì nói chung cũng sẽ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất và suy vọng không? v.v… Nhất định chúng ta sẽ chọn cách làm thực chất hợn, cho kết quả làm việc tốt hơn. Đó là cách, là phương thức mà chúng ta làm và đang làm, song cần rút kinh nghiệm để làm ngày một tốt hơn. Đây là một đặc điểm rất lớn của hệ thống chính trị nước ta chỉ do một Đảng duy nhất lãnh đạo, một Đảng lãnh đạo mà thật sự thực hành dân chủ. Làm như chúng ta đã làm và đang làm là bảo đảm thực hành dân chủ một cách thực chất trong hoạt động của Quốc hội do một đảng duy nhất lãnh đạo.

Một Đảng duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị mà hiểu và làm như chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm ngày một tốt hơn là thực hành dân chủ thật sự, vấn đề sống còn của Đảng và Nhà nước ta. Thực hành dân chủ bao giờ cũng phải gắn bó hữu cơ với giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, tăng cường pháp chế trong hệ thống Nhà nước và xã hội. Dân chủ càng cao thì kỷ cương phép nước cũng phải càng cao.

Khi Quốc hội thảo luận các dự án (cả dự án nhân sự) của Chính phủ và của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, khi thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, khi bỏ phiếu tín nhiệm chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn,… mỗi vị đại biểu Quốc hội luôn có ý thức giữ vững và tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, chủ động và sáng tạo, không thụ động ỷ lại, không xuôi chiều kiểu “nghị gật”, vừa chấp hành nghiêm nguyên tắc của Đảng, vừa chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, nhằm góp phần xây dựng các bộ ngành và Chính phủ mạnh lên, xây dựng các cơ quan tư pháp mạnh lên, cũng qua đó mà Quốc hội mạnh lên, toàn bộ thiết chế Nhà nước mạnh lên, và như vậy là Đảng ta mạnh lên, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Dân chủ là khát vọng của con người. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Thực hành dân chủ ngày một tốt hơn trong hoạt động của Quốc hội thì hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả và thực chất hơn, ngày càng giảm bớt tính hình thức hơn; Quốc hội sẽ ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội luôn gắn bó hữu cơ với đổi mới nội dung, nguyên tắc và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, gắn bó hữu cơ với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, trong đó đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là khâu có ý nghĩa căn bản, bao trùm và quyết định./.

 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An

(http://www.vov.org.vn/?)