Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XI

27/03/2007

* Đoàn Đại biểu Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ dự phiên họp toàn thể * 85,95% ĐBQH tán thành việc bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2007 * Cải tiến nhỏ, hiệu quả lớn * Chưa hài lòng về phạm vi sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH

Sáng hôm qua, 23.3, nhân chuyến thăm chính thức tại Việt Nam, Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Ấn  Độ do Chủ tịch Hạ viện Somnath Chatterjee làm Trưởng đoàn đã dự phiên họp toàn thể.

Cũng trong ngày hôm qua, sau gần 2 ngày các ĐBQH thảo luận tại tổ, QH đã tiếp tục phiên làm việc tại Hội trường, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH  năm 2007; Cho ý kiến về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ Khóa XI của QH, các cơ quan của QH và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh đã đọc Tờ trình về việc bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2007, nêu rõ mục đích và ý nghĩa của việc cho người lao động nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương- mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật Lao động thì, mỗi năm người lao động được nghỉ có hưởng lương 8 ngày lễ, Tết, trong đó không bao gồm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Xét trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện có nhiều khởi sắc, việc quy định người lao động được nghỉ thêm 1 ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương là cần thiết, tạo tâm lý phấn khởi, hướng về cội nguồn dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông... Do vậy, các ĐBQH đều nhất trí với việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2007 theo hướng cho phép người lao động được nghỉ việc, hưởng nguyên lương vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Nghị quyết về việc này đã được QH thông qua với tỷ lệ 85,95% ĐBQH tán thành.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ Khóa XI của QH 2002- 2007, các ĐBQH cho rằng, báo cáo đã phản ánh khá trung thực, đầy đủ và toàn diện về tổ chức, hoạt động của QH trong nhiệm kỳ Khóa XI. Trong đó, nêu bật được những bước tiến lớn trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại... ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng, nhiệm kỳ Khóa XI, QH đã có những cải tiến nhỏ, nhưng tạo ra hiệu quả lớn. Đó là việc QH chia 2 hội trường thảo luận về các dự án luật, tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật... Và, theo tổng kết của ĐB Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận), đây chỉ là một trong những ưu điểm nổi bật của nhiệm kỳ QH Khóa XI. Ngoài ra, QH Khóa XI còn thể hiện được tính dân chủ, công khai trong hầu hết mọi hoạt động. Các ĐBQH cũng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhiệt tình, trách nhiệm hơn... Trong làm luật, hầu hết các ĐBQH đã khắc phục được tình trạng làm văn tập thể- ĐB Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) bổ sung... Ghi nhận những thành tựu, nhưng ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), ĐB Điểu Điều (Bình Phước), Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định), ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang)... còn bày tỏ băn khoăn về tình trạng luật khung, luật ống; Luật chậm đi vào cuộc sống, chưa kịp có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành thì đã phải sửa đổi, bổ sung; Hiệu quả giám sát chưa cao; Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do thiếu thông tin nên đôi khi chưa sát với thực tiễn... Để QH Khóa XII và các khóa tiếp sau thực sự đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng các hoạt động, một số đại biểu cho rằng những hạn chế nêu trên cần được khắc phục triệt để, đồng thời kiến nghị một số giải pháp. ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) đề nghị cần sớm thành lập kênh truyền hình riêng của QH nhằm rút ngắn, tiến tới xóa dần khoảng cách giữa QH và nhân dân. ĐB Hoàng Văn Xim (Hà Tây) đề nghị QH cần có tầm nhìn xa, bám sát thực tiễn cuộc sống trong việc soạn thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Hay, muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của QH thì cần chú ý chất lượng ĐBQH ngay từ khâu đầu vào, không nên áp dụng máy móc quy định về tuổi ứng cử ĐBQH để tránh tình trạng hành chính hóa QH của ĐB Nguyễn Ngọc Trân...

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, QH Khóa XI. Song, do còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, nên UBTVQH đã trình và được QH chấp nhận là chưa trình QH thông qua dự án luật trên tại Kỳ họp thứ 10. Và, tại Kỳ họp thứ 11 này, theo chương trình, QH sẽ xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này do Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển trình bày, cho biết để khắc phục hạn chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH thì nhiều nội dung của dự án luật cần được tiếp thu (theo ý kiến của nhiều ĐBQH) là nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một cách căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, đến nay, ý kiến của các ĐBQH cũng chưa thống nhất, thời gian chuẩn bị còn ít, các cơ quan hữu quan phải dành thời gian cho tổng kết nhiệm kỳ QH Khóa XI cũng như chuẩn bị cho cuộc bầu cử QH Khóa XII nên trước mắt chỉ kịp tiếp thu theo hướng tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Cụ thể là việc thành lập mới các UB Pháp luật, UB Tư pháp, UB Kinh tế và UB Tài chính, ngân sách trên cơ sở chia tách UB Pháp luật, UB Kinh tế và Ngân sách. Phạm vi sửa đổi này dường như chưa làm hài lòng các ĐBQH. Tại buổi thảo luận, có 3 ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến vào dự án luật. Tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, nhưng ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) đề nghị, QH cần nghiên cứu để sớm sửa đổi, bổ sung dự án luật một cách toàn diện. Theo ĐB, những nội dung cần được ưu tiên quan tâm là: Nghiên cứu thành lập mới UB Dân nguyện trên cơ sở kiện toàn Ban Dân nguyện của UBTVQH; Cụ thể hóa quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; Tăng số lượng ĐB chuyên trách; Xem xét vị trí, vai trò của Thường trực HĐDT và các UB của QH... Riêng về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Trần Tiến Cảnh đề xuất luật nên được sửa theo hướng, QH tiến hành việc này 2 lần mỗi nhiệm kỳ.

Chưa hoàn toàn thỏa mãn với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, nhưng, ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cũng đành phải thông qua thôi. Bởi, dự án luật đã bị trì hoãn khá lâu rồi và đứng trước yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của QH thì không nên trì hoãn thêm nữa. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ĐB lưu ý, để có thể thành lập được UB Tư pháp (1 trong 2 UB được tách ra từ UB Pháp luật) thì trước hết cần xác định rõ chức năng của cơ quan này. Đồng thuận với băn khoăn này, nguyên Chủ tịch QH, ĐB Nguyễn Văn An (Đà Nẵng) cho rằng QH có thể có sai lầm, Tòa án cũng có thể có sai lầm, Chính phủ cũng vậy. Nhưng, 3 cơ quan này là thống nhất và có phân công. Không ai làm thay ai được. QH không thể phán xét thay Tòa án. QH không thể điều hành thay Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đã được Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Với tinh thần đó, thì chức năng, quyền hạn mà Hiến pháp và Pháp luật quy định cho các cơ quan này phải được tôn trọng. Nếu cơ quan nào yếu thì phải làm cho mạnh lên. Nếu người được giao nhiệm vụ không làm được thì thay người khác. Bởi, nếu chúng ta nhảy lên làm thay thì sẽ làm rối tung mọi việc.

 

T.Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)