Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày Tờ trình về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của 18 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu, Tiền Giang, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
Hồ sơ đề án sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng trình tự
Hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị của 18 tỉnh, thành phố nêu trên đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh, thành phố đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của 18 tỉnh, thành phố.
Đối với các nội dung đề nghị thành lập thành phố, thị xã, phường, thị trấn của các địa phương cũng đã bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định hồ sơ đề án của 18 tỉnh, thành phố, báo cáo Chính phủ xem xét. Chính phủ đã thông qua và có các Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng các tỉnh, thành phố đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.
Căn cứ các khoản 2, 3 Điều 2 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, tại hồ sơ đề án của các tỉnh, thành phố cũng đã giải trình rất chi tiết các lý do chưa tiến hành sắp xếp một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 hoặc khi thực hiện sắp xếp nhưng ĐVHC mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn mà không thể nhập thêm ĐVHC cùng cấp khác liền kề nhằm tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số để đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh, thành phố là phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của các địa phương.
Việc giải thể 03 ĐVHC cấp xã của huyện đảo Lý Sơn
Việc giải thể toàn bộ 03 ĐVHC cấp xã thuộc huyện đảo lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bảo đảm cơ cở pháp lý và thực tiễn. Cụ thể: Về cơ sở pháp lý: Phù hợp với quy định tại các Điều 72, 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quy mô diện tích và dân số của 03 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn hiện nay quá nhỏ so với quy định. Vì vậy, căn cứ thực tiễn và yêu cầu quản lý, việc giải thể 03 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn để xây dựng mô hình tổ chức chính quyền huyện đảo Lý Sơn (không có ĐVHC cấp xã trực thuộc) là nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hệ thống chính trị huyện đảo Lý Sơn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Đông.
Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mặt khác, hiện nay trên cả nước có 03 huyện đảo là: Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không tổ chức ĐVHC cấp xã trực thuộc.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC của 18 tỉnh do Chính phủ trình. Theo đó, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 12 đơn vị, sau sắp xếp giảm được 04 đơn vị; tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là: 223 đơn vị, sau khi sắp xếp giảm được 109 đơn vị. Ngoài ra, trong đợt này, Chính phủ còn đề nghị thành lập mới 43 ĐVHC ở đô thị, gồm 03 thành phố thuộc tỉnh, 03 thị xã, 27 phường và 10 thị trấn.
Sau khi cân nhắc, thảo luận và nghe ý kiến giải trình của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 18 Nghị quyết về sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh: Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hải Phòng, Hậu Giang, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Yên Bái.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết là ngày 01/02/2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập. Riêng đối với trường hợp giải thể 03 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn thì thời điểm có hiệu lực theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cần cân nhắc kỹ việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở tỉnh Cao Bằng
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đã thảo luận về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội băn khoăn về thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở tỉnh Cao Bằng. Theo đề án, số lượng ĐVHC cấp huyện ở tỉnh Cao Bằng thực hiện sắp xếp là 06 đơn vị. Ở cấp xã: số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 76 đơn vị.
Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh Cao Bằng từ 13 đơn vị giảm xuống còn 10 đơn vị (giảm 03 đơn vị); số lượng ĐVHC cấp xã từ 199 đơn vị giảm xuống còn 161 đơn vị (giảm 38 đơn vị).
Theo ông Hà Ngọc Chiến, cần cân nhắc kỹ việc sắp xếp các huyện ở tỉnh Cao Bằng, tránh sự xáo trộn lớn đối với người dân và trên các lĩnh vực.
Còn ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu quan điểm cần xem xét kỹ việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở tỉnh Cao Bằng, tránh việc nhập vào, tách ra rồi lại thay đổi. Bộ Nội vụ và tỉnh Cao Bằng phải có trả lời thỏa đáng những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với việc sắp xếp ĐVHC ở địa phương này.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu ý kiến: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần có sự xem xét rất thận trọng khi sắp xếp ĐVHC ở Cao Bằng ở các tiêu chí khác nhau như: tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, việc sắp xếp tác động đến bộ máy hành chính...
Băn khoăn về việc sắp xếp các xã vì liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc xin ý kiến nhân dân về việc sắp xếp các huyện, các xã mà chưa được sự đồng thuận của nhân dân thì không nên thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Cao Bằng có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh nên việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.
Về việc giải thể 3 ĐVHC cấp xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình của huyện đảo Lý Sơn, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ quy định thời điểm thực hiện giải thể 03 xã của huyện đảo Lý Sơn từ ngày 01/02/2020 (ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực) để tỉnh Quảng Ngãi tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuyển giao các nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền huyện đảo.
Góp ý vào việc giải thể 03 ĐVHC cấp xã của huyện đảo Lý Sơn, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc giải thể, sắp xếp ở huyện đảo Lý Sơn cần có sự cân nhắc vì liên quan đến công tác dân cử và quản lý Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về cơ bản các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ đạo: Những băn khoăn, đề xuất của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được Chính phủ tiếp tục xem xét, tiếp thu để sự đánh giá tác động rõ hơn tới người dân ở các địa phương. Việc sắp xếp làm sao phải đảm bảo an ninh chính trị và quốc phòng.
Việc xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được đưa ra xem xét tại Phiên họp lần thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 02/2020./.