Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Qua thảo luận còn một vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi nhằm quy định cụ thể để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới… Về đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an, nguyên nhân chủ yếu do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh trong việc trưng cầu và tiếp nhận giám định. Để khắc phục vướng mắc trên và phát huy hiệu quả đội ngũ nhân lực hiện có của hai ngành, Bộ Công an, Bộ Y tế cần hướng dẫn điều phối phù hợp việc trưng cầu và tiếp nhận giám định. Đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp sẽ được cân nhắc, xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật giữ như Tờ trình của Chính phủ.
Một số nội dung còn ý kiến khác nhau
Về các nội dung khác của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật quy định: Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không bổ sung quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tại phiên họp
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì khó có căn cứ xác định cơ quan, tổ chức nào là chủ trì vì mỗi cơ quan, tổ chức đều phụ trách giám định một lĩnh vực chuyên môn nhất định.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Quốc hội cũng còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước tương tự như bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện giám định tư pháp. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong Luật Giám định tư pháp.
Đề nghị đánh giá tác động về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân tối cao
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Tư pháp về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng thời, nhiều ý kiến quan tâm đến việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tán thành với việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường cho biết, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định 03 cơ quan điều tra chuyên trách là cơ quan điều tra của Bộ Công an, cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng và cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong chức năng nhiệm vụ các cơ quan điều tra có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định nhưng Luật Giám định tư pháp hiện hành chỉ giao nhiệm vụ thực hiện giám định cho cơ quan của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Thực tế, khi giám định về âm thanh, hình ảnh thì chỉ có Bộ Công an thực hiện.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp
Nhu cầu thực tiễn trong điều tra các tội tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp cảu Viện kiểm sát nhân dân tối cao rất nặng nề, trong đó giám định âm thành, hình ảnh, chữ viết là rất nhiều. Do đó việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ này cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chia sẻ việc bổ sung thêm nhiệm vụ này không làm tăng thêm tổ chức, bộ máy, tăng chi phí mà còn đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương lại không tán thành với nội dung bổ sung này. Theo Thứ trưởng, thực tế số lượng yêu cầu giám định âm thanh, hình ảnh, kỹ thuật số điện tử không nhiều, cơ bản đáp ứng yêu cầu, phục vụ chung công tác điều tra. Hơn nữa vấn đề giám định tư pháp không phải đơn giản, đào tạo cán bộ cũng rất khó nên không thể thành lập phòng là có thể làm được ngay. Mặt khác, Luật Tổ chức Viện kiểm sát không quy định chức năng này nên nếu bổ sung chức năng thì phải sửa Luật.
Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp
Trước ý kiến khác nhau của Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc nếu còn ý kiến khác nhau thì đưa ra Quốc hội thảo luận. Mặt khác trước yêu cầu đối với công tác phòng chống tham nhũng, cũng cần tạo điều kiện cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành nhiệm vụ, ủng hộ nếu có thêm giám định âm thanh, hình ảnh.
Bên cạnh đó, tại phiên họp từ thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị xem xét lại quy định về thời hạn ra quyết định trưng cầu giám định để bảo đảm kịp thời giải quyết vụ việc.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Ủy ban Tư pháp về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; đồng thời nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như đề xuất của Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra,về thời hạn giám định, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận
Về bổ sung chức năng cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ thể hiện cả hai phương án để trình lên Quốc hội, đồng thời đề nghị bổ sung thêm báo cáo đánh giá tác động, giải trình rõ về nội dung này; đề nghị Chính phủ có văn bản thể hiện quan điểm chính thức./.