UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

20/07/2020

Sáng ngày 20/7, tại thành phố Hải Phòng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Đây là 1 trong 3 địa phương thuộc 3 miền của cả nước được Thường trực Ủy ban lựa chọn là nơi tổ chức nhằm tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

 

Toàn cảnh Tọa đàm về dự án Luật Biên phòng Việt Nam do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các đại biểu, chuyên gia tập trung cho ý kiến về 5 nội dung trong dự thảo Luật gồm: tên gọi và phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ biên phòng và nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng; khái niệm “biên phòng”; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, sự phối hợp thực thi nhệm vụ biên phòng; Bộ đội biên phòng và bảo đảm chế độ chính sách cho Bộ đội biên phòng.

Trình bày quan điểm của mình, các đại biểu đều bày tỏ đồng tình cần thiết xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam vì tên gọi này quán triệt được quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, phù hợp với Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ tổ quốc. Dự thảo luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá đúng tình hình, đặc biệt đã có sự kế thừa chọn lọc Pháp lệnh Bộ đội biên phòng trước đây, xác định được nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ của riêng Bộ đội biên phòng. Chính vì vậy, khái niệm “biên phòng” cần được quy định rõ để làm cơ sở quy định nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết: “Một số đại biểu còn băn khoăn về khái niệm Biên phòng, dẫn từ điển này, từ điển kia nhưng khi làm luật thì các nhà làm luật không bị “trói” vào các khái niệm hàn lâm, tất nhiên là có tham khảo. Khái niệm Biên phòng như vậy là hợp lý nhưng cần nghiên cứu để tính đúng, tính đủ khái niệm”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh điều hành cuộc tọa đàm.

Các ý kiến cũng cho rằng, khi xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam sẽ có những nội dung giao thoa với các Luật khác như: Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, tuy nhiên phạm vi điều chỉnh của luật này sẽ cụ thể những nội dung thuộc về biên phòng để quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất trong quy định về lực lượng nòng cốt trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Cũng có ý kiến đề nghị nghiên quy định về chức năng của Bộ đội Biên phòng “chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Giải trình về vấn đề này, đại diện Ban soạn thảo khẳng định trong hơn 60 năm kể từ khi được thành lập, Bộ đội Biên phòng vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ đấy dù thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng. Khi xin ý kiến Chính phủ, 22/26 ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí quy định lực lượng Bộ đội biên phòng chủ trì, duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đóng góp nhiều ý kiến xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Một số ý kiến cũng đồng tình cần xác định Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong thực thi nhiệm vụ biên phòng – nhiệm vụ của tất cả các cấp ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Bởi trải qua hơn 60 năm, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã khẳng định được vị trí chức năng của mình trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về các quy định trong dự thảo như: xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, đối ngoại biên phòng, quy định Bộ đội biên phòng có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu./.

Khắc Phục