Quốc hội thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

19/06/2015

Chiều 19/6, với 433/433 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa                                                              Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, ngày 21/5/2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ bản tán thành với Báo cáo trên, với 433/433 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 87.65% tổng số đại biểu Quốc hội, số đại biểu không tán thành và số đại biểu không biểu quyết là 0, Quốc hội đã thông qua toàn bộ dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) gồm 9 Chương và 62 Điều.

                                                                                                                                                    Ảnh: Đình Nam

Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định: nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân và từ đủ 18 tuổi trở lên.

Các đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự được quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự trong cả nước; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự; Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

P.V