CÂN NHẮC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

09/04/2018

Sáng 09/4, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về quy định liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 52 quy định về điều kiện cấp giấy phép về hoạt động đo đạc và bản đồ của dự thảo Luật Luật Đo đạc và bản đồ: Người phụ trách kỹ thuật có chứng chỉ hành nghề hạng I quy định tại Điều 53 của Luật này; không được là người đồng thời phụ trách kỹ thuật của tổ chức khác có hoạt động đo đạc và bản đồ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ phát biểu

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị điều chỉnh thành: Người phụ trách kỹ thuật có chứng chỉ hành nghề hạng I hoặc có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo về đo đạc và bản đồ có thực tế hoạt động đo dạc và bản đồ ít nhất 03 năm, có hợp đồng lao động được đóng bảo hiểm từ 01 năm trở lên; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật của tổ chức khác có hoạt động đo đạc và bản đồ. Bởi trước khi cấp giấy phép về hoạt động này thì người phụ trách kỹ thuật bắt buộc phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hạng I, điều này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính và hạn chế nhiều đến vấn đề phát triển ngành đo đạc và bản đồ. Theo các đại biểu, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ chủ yếu phục vụ cho các cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ ngoài nước theo xu hướng hội nhập.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Đát phát biểu

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ thì tổ chức có 01 kỹ thuật trưởng có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo về đo đạc và bản đồ, có thực tế hoạt động đo dạc và bản đồ ít nhất 03 năm, có hợp đồng lao động được đóng bảo hiểm từ 01 năm trở lên; không được đồng thời là kỹ thuật trưởng của tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ khác và có 04 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, chuyên ngành đào tạo về đo đạc và bản đồ thì đủ điều kiện được cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Do đó việc mở rộng quy định này là phù hợp.

Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu

Ngoài ra, để dự thảo Luật hoàn chỉnh hơn, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh một số khái niệm trong giải thích từ ngữ, tránh quá chi tiết, khái niệm nằm trong khái niệm dẫn đến khó hiểu. Nhất là các khái niệm giải thích về “cơ sở dữ liệu địa lý”, :đo đạc”, “bản đồ”, “dữ liệu nền địa lý và dự liệu không gian về địa lý và các đặc tính của các đối tượng địa lý”./.

Thu Phương