HỘI THẢO DỰ ÁN "LUẬT TRỒNG TRỌT"

03/04/2018

Sáng 3/4, tại Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo về dự án Luật Trồng trọt. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến; đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các đại biểu Quốc hội cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, sau hơn 13 năm thi hành Pháp lệnh giống cây trồng, Nghị định về quản lý phân bón và các quy định có liên quan đã góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất  trồng trọt. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Thực hiện nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã tổ chức xây dựng dự thảo Luật Trồng trọt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu khai mạc hội thảo.

Thay mặt ban soạn thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã giới thiệu về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt cũng như những điểm mới của dự thảo luật này.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 7 chương và 82 điều. Dự thảo đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và luật hóa những nội dung chưa được quy định hoặc quy định chưa phù hợp tại các văn bản luật, văn bản dưới luật để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực trồng trọt như: Bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo phát triển trồng trọt theo hướng thị trường, sản xuất quy mô lớn; Bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương; Bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới…

 Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) trình bày tóm tắt dự thảo.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo xây dựng dự thảo luật đã tạo hành lang pháp lý, nêu lên nội hàm tất cả các vấn đề liên quan đến trồng trọt. Đặc biệt 2 lĩnh vực giống và phân bón chưa được luật hóa đã được đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn việc xây dựng Luật, ngoài đáp ứng yêu cầu quản lý thì phải phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta. Bên cạnh đó, thiết kế hệ thống khảo nghiệm và công nhận giống trong dự thảo Luật Trồng trọt chưa phù hợp với đối tượng giống cây trồng.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình phát biểu tại hội thảo.

Về vùng sinh thái, dự thảo Luật công nhận giống cũng đã được xem xét thu gọn: thay vì phải công nhận giống ở 7 vùng sinh thái như trước đây, nay chỉ quy định công nhận giống tại 3 vùng chính là miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Quy định bổ sung việc khảo nghiệm các tính trạng chống chịu với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất thuận trong điều kiện đồng ruộng và điều kiện có kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng chỉ quy định công nhận giống tại 2 vùng chính là miền Bắc và miền Nam.

Ông Lê Hồng Nhu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng chỉ quy định công nhận giống tại 2 vùng.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà nhấn mạnh, những ý kiến tham luận, góp ý tại hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm báo cáo thẩm tra dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  hoàn thiện dự thảo Luật, sớm trình Quốc hội xem xét thông qua, dự kiến vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018.

Trọng Quỳnh