HỘI THẢO QUỐC HỘI VIỆT NAM - 80 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

21/10/2023

Triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, chiều 21/10, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động giám sát”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội thảo.

HỘI THẢO QUỐC HỘI VIỆT NAM - 80 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ HOẠT ĐỘNG LẬP HIẾN, LẬP PHÁP

Cùng dự hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học…

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam diễn ra trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với nhiều hoạt động ý nghĩa, có sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước về lịch sử hình thành, phát triển và những thành tựu đạt được của Quốc hội Việt Nam trong chặng đường 80 năm qua.

Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết toàn diện những thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tiếp tục đúc rút, phân tích sâu sắc hơn những bài học cốt lõi, xuyên suốt quá trình 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển; đề ra định hướng và những giải pháp cho Quốc hội khóa XVI và các khóa tiếp theo trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc triển khai nghiên cứu đề tài là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động giám sát” là hội thảo thứ ba trong chuỗi 06 hội thảo thuộc kế hoạch triển khai nghiên cứu Đề tài, là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về những đổi mới và phát triển về hoạt động giám sát của Quốc hội qua gần 15 nhiệm kỳ; làm rõ những hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm đặt ra; làm rõ yêu cầu và những giải pháp tiếp tục đổi mới về hoạt động giám sát của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về hoạt động giám sát của Quốc hội; những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm về đổi mới, phát triển về nội dung, phương thức, chương trình giám sát của Quốc hội qua các nhiệm kỳ, hoạt động lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; dấu ấn hoạt động giám sát trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đề xuất phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu ghi nhận những kết quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua từ giám sát chuyên đề, chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, …Theo đó quy định của pháp luật về hoạt động giám sát ngày càng được hoàn thiện; việc lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề, nhóm vấn đề chất vấn bám sát thực tiễn, đúng và trúng những vấn đề nóng nổi lên trong đời sống, được cử tri, Nhân dân quan tâm...Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài cần thẳng vào những vấn đề thực tế để có kiến nghị phù hợp cho thời kì mới.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tình hình mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo

Có ý kiến cho rằng, nói về chức năng giám sát của Quốc hội đang đi đúng hướng nhưng phải có tầm nhìn rộng hơn những vấn đề giám sát của Quốc hội từ lý luận thực tiễn, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặt giám sát của Quốc hội trong kiểm soát quyền lực nhà nước cả về nhận thức chính trị và thực tiễn đang triển khai hiệu quả. Nhấn mạnh rằng, kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng không thể thiếu vai trò của Quốc hội.

Đồng thời, cần đặt giám sát tối cao của Quốc hội với kiểm soát quyền lực nhà nước, đặt giám sát của Quốc hội trong mối quan hệ với giám sát khác như giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và giám sát của Nhân dân. Nhiều đại biểu cho rằng trong các nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát cần tập trung vào các nhóm đột phá về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, đột pháp trong giám sát công tác cán bộ và đột phá về giám sát ngân sách.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo

GS.TS Trần Ngọc Đường - Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày tham luận

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan trình bày tham luận

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác