Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam; đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; các tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa.
Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Anh, Hội đồng Anh, Viện Goethe và các đối tác nước ngoài khác đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động tăng cường nhận thức và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ là những ví dụ cụ thể cho sự hợp tác hiệu quả ấy. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa khẳng định, thông qua sự hợp tác tích cực của các bên, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến nhất định, đặc biệt qua nhận thức của toàn xã hội đối với vị trí và tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo ở các đô thị, hay các hoạt động kết nối những người nghệ sỹ, người thực hành nghệ thuật và sáng tạo với khán giả trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh, hội thảo hôm nay là cơ hội để các đại biểu, các nhà chính sách, các chuyên gia trao đổi và làm rõ các khái niệm về các ngành công nghiệp văn hóa và vai trò của các không gian văn hóa sáng tạo. Đồng thời, mở ra cơ hội trao đổi thông tin lâu dài và đối thoại chính sách giữa các không gian văn hóa sáng tạo và những người làm việc trong các cơ quan lập pháp Việt Nam; những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt là những người sáng lập và quản lý các không gian văn hóa và sáng tạo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa khẳng định, văn hóa chính là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia để tạo ra dấu ấn, bản sắc của mình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu
Trong các Nghị quyết của mình, Việt Nam luôn xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội. Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, trong nhiều năm vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều luật, thông qua một số các công ước quốc tế về văn hóa, trong đó có Công ước 2005 về đa dạng văn hóa, để làm nền tảng triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa. Cùng với những nỗ lực của Quốc hội, ngày 08 tháng 9 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các đại biểu cho rằng, đây là một nhiệm vụ then chốt, mang tính đột phá trong việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định rằng, văn hóa là một nhân tố có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Khi những giá trị kinh tế của văn hóa được khơi dậy sẽ kích thích, phát huy sức sáng tạo, tái sản xuất, đổi mới khâu tổ chức, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của đông đảo công chúng. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tại Việt Nam, sự phát triển của các không gian vă hóa sáng tạo hiện tại đã trưởng thành hơn rất nhiều so với thời điểm trước đây, thể hiện cả sở số lượng, lẫn chất lượng. Sự trưởng thành cả về chất và lượng này chứng tỏ những nỗ lực và tác động tích cực của “Chiến lược quốc gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Tuy nhiên, đây mới là một chiến lược chung, chưa phản ánh đầy đủ hệ thống hoạt động và giải pháp cho từng ngành công nghiệp sáng tạo.
Theo các đại biểu, để có tính thực tiễn cao hơn, Việt Nam cần có những đề án mang tầm quốc gia một cách cụ thể cho từng ngành, từng nghề trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo nói chung mà các không gian văn hóa sáng tạo chính là điểm tựa của các hoạt động này với sự tham vấn của các chuyên gia thực hành.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu cũng chỉ ra tại Việt Nam hiện chưa có một chính sách ưu đãi cụ thể nào nhằm hỗ trợ hoặc quảng bá doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo giống như ở Châu Âu. Do đó, hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức này phải dựa vào các nguồn hỗ trợ tài chính khác. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam lại lo ngại về những ảnh hưởng và sự kiểm soát đến từ những nhà đầu từ nước ngoài đối với các hoạt động của nền kinh tế đặc biệt này. Điều đó đã gây ra nhiều trở ngại khi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức tư nhân nước ngoài muốn tham gia đầu tư. Theo các đại biểu, sự hợp tác công - tư là rất cần thiết để phát triển thành công ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam. Công nghiệp văn hoá không giống với những ngành công nghiệp khác bởi thành công và giá trị của nó không thể được đo lường giống như những lĩnh vực khác. Đó là loại hình kinh doanh không hoạt động chỉ vì lợi nhuận, mà nó truyền cảm hứng cho những ngành công nghiệp khác. Những không gian sáng tạo cần thêm thời gian và hỗ trợ ban đầu để phát triển, góp phần làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, thực hiện sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa cho rằng, với đặc điểm tự nhiên, truyền thống lịch sử lâu đời, con người sáng tạo, Việt Nam có sẵn tiềm năng và điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Qua hội các nội dung được trao đổi tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa khẳng định các ý kiến chia sẻ, thảo luận của các đại biểu tham dự hôm nay là những thông tin, tài liệu quý đối với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phục vụ công tác nghiên cứu của Ủy ban về nội dung này trong thời gian tới.