Theo Báo cáo của tỉnh Bình Phước cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, xã hội trong tỉnh đã được nâng lên, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được chú trọng. Sau 10 năm thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền sâu rộng ở các địa phương. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được nâng cao.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước hiện có gần 938 nghìn người, trong đó, có hơn 294 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi chiếm trên 31% dân số toàn tỉnh. Gần 109 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi, chiếm 11,6%. Trong 10 năm thực hiện Luật, toàn tỉnh Bình Phước có gần 222 nghìn trường hợp đăng ký khai sinh; hơn 12.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám sức khỏe; 362 trẻ mắc bệnh tim được phẫu thuật với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn gặp những khó khăn, như tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng; trẻ em bỏ học tuy có giảm từng năm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Số trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đi mẫu giáo còn thấp...
Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn khảo sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh cho biết, mục đích buổi làm việc là chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sắp tới. Sau khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn khảo sát sẽ đi tìm hiểu ở cơ sở, làm việc với các sở, ban, ngành, đoàn thể và một số địa phương trong tỉnh. Trong 10 năm thi hành Luật có nhiều vấn đề trong thực tiễn cần phải tổng kết và đánh giá đúng thực tế. Có một số vấn đề liên quan công tác quản lý nhà nước về trẻ em, các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về trẻ em. Thông qua dịp khảo sát, Đoàn công tác sẽ ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, qua đó giúp Đoàn có căn cứ để kiến nghị sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt hơn trong thời gian tới.