THẨM TRA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

01/03/2018

Chiều 01/03, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tập trung vào quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, quy định theo hướng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Chính sách tự chủ đại học được sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học nhằm đổi mới quản lý nhà nước, giúp cơ sở giáo dục đại học phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chịu trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện sứ mệnh, mục tiêu và nhiệm vụ của nhà trường, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Việc xây dựng và ban hành dự án Luật đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục đại học; đảm bảo tính toàn diện và có trọng tâm trọng điểm; tính thực tiễn, thiết thực, khả thi; tính kế thừa và phát triển, tạo ra bước đột phá mới trong giáo dục đại học... nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của giáo dục đại học hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đã tổ chức giám sát tình hình thi hành pháp luật giáo dục đại học tại một số cơ sở giáo dục đại học đại diện cho các loại hình, lĩnh vực đào tạo và các vùng, miền trong cả nước; tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia, các nhà quản lý, nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục đại học về việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học. Thường trực Ủy ban đã tiến hành nhiều cuộc làm việc với Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo Dự án Luật về tiến độ chuẩn bị và nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Phạm Tất Thắng trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho biết, đa số ý kiến  Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để đáp ứng những đòi hỏi mới về cơ cấu nhân lực, trình độ nhân lực, chất lượng nhân lực trong lĩnh vực này. Đồng thời đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trình tự, thủ tục xây dựng và thẩm định Dự án Luật bảo đảm theo đúng quy trình quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội xem xét dự án Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm Báo cáo tác động về thủ tục hành chính, Báo cáo tác động bình đẳng giới, Báo cáo thuyết minh các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng như một số tài liệu tham khảo, tổng kết kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các nội dung chính sách, điều luật được đề xuất sửa đổi và dự kiến các văn bản hướng dẫn kèm theo…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Ngô Thị Minh phát biểu

Về hệ thống giáo dục đại học, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng nhận thấy việc phân chia hệ thống giáo dục đại học như trong dự thảo Luật chưa giải quyết và bao quát sự đa dạng và phức tạp của các mô hình trường đang tồn tại trong thực tiễn, đồng thời chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể để phân biệt giữa đại học quốc gia với đại học, giữa trường đại học với học viện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất hệ thống giáo dục đại học bao gồm các đại học và trường đại học, trong đó đại học là tổ hợp các trường đại học.

Về loại hình cơ sở giáo dục đại học, một số ý kiến đề nghị làm rõ loại hình của các trường có sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài (như Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Việt Nhật). Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm bảo đảm chất lượng đào tạo của các phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; đề ra nguyên tắc chung đối với việc thành lập cơ sở, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam trước khi giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.   

TS, Luật sư Chu Hồng Thanh, chuyên gia của Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ phát biểu

Đối với nội dung về quản trị và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, Thường trực Ủy ban đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được tự chủ; đồng thời, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, thông qua chế độ báo cáo, thông tin quản lý giáo dục, kiểm toán tài chính, công khai kết quả hoạt động thường niên và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; cũng như quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu; làm rõ hơn cơ chế kiểm tra, giám sát của Hội đồng đối với tài chính và tài sản; quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Hội đồng đại học trước khi giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc giám sát vấn đề tự chủ nhà trường.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng phát biểu

Liên quan đến các quy định về tự chủ mở ngành và tuyển sinh, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định trong dự thảo Luật liên quan đến việc tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục đại học trong việc mở ngành, tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo nhóm ngành đào tạo phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ điều kiện bảo đảm chất lượng để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ tuyển sinh, mở ngành theo khả năng đào tạo và nhu cầu thị trường thay vì xác định chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch tuyển sinh; đồng thời, cần có cơ chế giám sát hiệu quả đối với việc tự chủ tuyển sinh, mở ngành của các cơ sở giáo dục đại học.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu

Tại phiên họp, đại diện các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng góp ý, thảo luận về các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục đại học, quản lý tài chính và tài sản của các trường công lập, học phí, đại học tư thục, hợp tác quốc tế trong giáo dục…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tại phiên hợp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học thời gian tới./.

Thu Phương